Linh hoạt ứng phó với xâm nhập mặn

12:01, 03/01/2024

Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô ở ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) diễn biến rất bất thường, khó dự báo chính xác bởi ảnh hưởng phần lớn của nguồn nước về từ thượng nguồn sông Mekong.

 

 

Mặn xâm nhập vào Vĩnh Long từ hướng các sông chính: sông Tiền, sông Hậu… vào nội vùng. Trong ảnh: Vận hành công trình thủy lợi hợp lý để ngăn mặn, lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.
Mặn xâm nhập vào Vĩnh Long từ hướng các sông chính: sông Tiền, sông Hậu… vào nội vùng. Trong ảnh: Vận hành công trình thủy lợi hợp lý để ngăn mặn, lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.

Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô ở ĐBSCL (trong đó có Vĩnh Long) diễn biến rất bất thường, khó dự báo chính xác bởi ảnh hưởng phần lớn của nguồn nước về từ thượng nguồn sông Mekong.

Trước thực trạng đó, các địa phương, tổ chức và người dân trong vùng cần linh hoạt trong ứng phó với thiên tai này nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Nắm chắt quy luật xâm nhập mặn

Những nghiên cứu gần đây của các cơ quan chuyên môn cho thấy, ở vùng ven biển ĐBSCL, tuy XNM chịu tác động nhiều từ việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn sông Mekong, nhưng vào mùa khô, do chịu ảnh hưởng của thủy triều là chính nên XNM xảy ra trong vùng vẫn còn diễn ra theo quy luật: Những ngày triều cường thì độ mặn cao hơn những ngày triều kém.

Độ mặn lớn nhất vào lúc triều lên cao nhất (đạt đỉnh) và lúc triều thấp nhất (chân triều). Gió chướng càng hoạt động mạnh, lượng nước xả từ thượng nguồn về thấp và mưa trái mùa xảy ra ít thì độ mặn càng cao và lấn sâu vào đất liền hơn.

Những năm chịu tác động của hiện tượng El Nino (pha nóng), như mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020, thì XNM trở nên gay gắt hơn những năm chịu tác động của hiện tượng La Nina (pha lạnh), như năm 2022.

Vùng chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều (triều biển Đông, trong đó có tỉnh Vĩnh Long) thì mặn xâm nhập nhanh, sâu hơn nhưng duy trì không lâu trong một con triều; và ngược lại đối với vùng chịu ảnh hưởng chế độ nhật triều (vùng biển Tây)...

Ngoài ra, hiện tượng khuếch tán đóng vai trò quan trọng trong sự truyền nước mặn từ biển vào các sông chính trong vùng, hiện tượng này giúp đưa mặn lên cao hơn và tỏa ra toàn mặt cắt sông. Về lý thuyết, nếu dòng chảy của các sông là dòng chảy êm, mặn sẽ ít bị xáo trộn lẫn, mà hình thành “nêm mặn” (tức ranh giới nước mặn- nước ngọt) theo dòng triều.

Lúc này độ mặn trên một mặt cắt của dòng sông sẽ bị phân hóa rõ rệt giữa mặt trên và mặt dưới sâu, giữa dòng sông và hai bờ. Nhưng thực tế, nước mặn- ngọt bị xáo trộn lẫn nhau, độ mặn mặt và đáy sông gần như bằng nhau trong suốt quá trình triều.

Bên cạnh, phân bố độ mặn (ranh mặn) trong vùng cũng khác nhau, các sông, rạch vùng ven biển có độ mặn cao hơn so với vùng xa biển. Tại Vĩnh Long, độ mặn trên các sông chính (sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu, sông Măng Thít) cao hơn ở các kinh, rạch nội đồng. Chẳng hạn, khi độ mặn sông Cổ Chiên, sông Hậu lên mức 5‰ thì sông, rạch ở vùng nội đồng xa hai sông lớn này như tại xã Hựu Thành (Trà Ôn) còn nước ngọt, độ mặn nhỏ hơn hoặc xấp xỉ 1‰.

Dựa vào quy luật xâm nhập, sự truyền mặn và phân bố độ mặn nêu trên kết hợp với việc vận hành công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt hợp lý có thể giúp cho các địa phương, tổ chức và người dân trong tỉnh linh hoạt ứng phó XNM, đồng thời khai thác tốt nguồn nước ngọt tại chỗ trong thời gian mặn lên cao.

Vận hành công trình hợp lý để ngăn mặn, lấy nước ngọt

Theo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Nam Mang Thít (quy định tại Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCTL ngày 4/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT) và Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, XNM giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh (ban hành tại Quyết định số 2999/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Long), nguyên tắc vận hành các cống ngăn mặn là khi độ mặn lớn hơn 1‰ xuất hiện ngoài các cống đến đâu thì đóng các cống đến đó.

Do hướng XNM từ phía Đông (phía Biển Đông) tiến vào phía Tây (phía đất liền) theo thủy triều lên, nên đối với tỉnh Vĩnh Long phải tiến hành đóng các cống thủy lợi để ngăn mặn và lấy nước ngọt cũng theo trình tự từ hướng đó.

Tức là đóng các cống ở các vùng ven sông lớn trước, rồi đến các cống trong nội đồng. Cụ thể, phía sông Cổ Chiên, nên ưu tiên đóng cống ở huyện Vũng Liêm trước, rồi đến huyện Mang Thít và TP Vĩnh Long; phía sông Hậu, đóng cống ở huyện Trà Ôn trước, rồi đến huyện Tam Bình, TX Bình Minh; phía sông Tiền, tiến hành đóng cống ở xã Bình Hòa Phước trước đến xã Đồng Phú, Hòa Ninh (thuộc huyện Long Hồ). Việc vận hành cống đảm bảo giảm nồng độ mặn trên các kinh, rạch xuống dưới 1,5‰.

Trường hợp độ mặn không cao, độ mặn ngoài cống dưới 1‰, nguồn nước ngọt trong vùng cống, vùng đê bao còn đảm bảo yêu cầu sử dụng thì mở cống để lấy nước ngọt. Khi độ mặn lớn hơn 1‰ xuất hiện ngoài các cống đến đâu thì đóng các cống đến đó.

Tuy nhiên, có lúc do nhu cầu ngăn mặn bảo vệ cây trồng ở thời điểm nhạy cảm (như cây ăn trái đang trong giai đoạn ra hoa, trái non; rau màu chuẩn bị thu hoạch; lúa mới sạ…), một số nơi chủ động đóng cống sớm hơn với độ mặn ngoài cống dưới 1‰.

Có thể mở cống phục vụ giao thông thủy, trung bình 2 ngày mở 1 lần, kết hợp tiêu thoát nước ra để cải thiện môi trường trong thời gian kiểm soát mặn, trữ ngọt, chỉ được mở cống vào thời điểm giao nhau giữa nước lớn và nước ròng ban ngày. Trong điều kiện thuận lợi cho phép, có thể vận hành cửa cống 2 chiều để cải thiện chất lượng nước.

Trường hợp độ mặn tăng cao, nguồn nước ngọt trong vùng cống, vùng đê bao không đảm bảo yêu cầu dùng nước thì theo dõi chặt chẽ độ mặn ngoài các cống đầu mối ven sông Tiền, sông Hậu, vận hành linh hoạt để lấy nước, ngăn mặn.

Đối với các cống lớn ở vùng Nam Mang Thít (như cống Vũng Liêm, Tân Dinh, Nàng Âm), khi độ mặn ngoài cống nhỏ hơn 1‰ thì đóng, mở linh hoạt 1-2 khoang cửa, các cửa vận hành tự động theo điều kiện mực nước, độ mặn cho phép; khi độ mặn ngoài cống lớn hơn 1‰ thì đóng cống để kiểm soát mặn, trữ ngọt. Đối với các cống khác, khi độ mặn trên các sông trục chính lớn hơn 1‰ thì đóng cửa cống lại.

Trường hợp hạn hán, thiếu nước, XNM nghiêm trọng xảy ra như những năm cực đoan 2016, 2020, các đơn vị quản lý khai thác công trình cần xây dựng phương án đảm bảo nguồn nước, báo cáo, xin ý kiến cấp thẩm quyền chấp thuận và thông báo chi tiết kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Nếu điều kiện mực nước, độ mặn cho phép, tổ chức vận hành tối đa công trình chủ động lấy nước, trữ nước trong vùng.

Song song đó, các đơn vị quản lý, vận hành cống phải tăng cường đo, theo dõi diễn biến độ mặn, loan báo rộng rãi kết quả đo mặn và lịch đóng, mở cống để các đối tượng sử dụng nước có thể lấy nước ngọt một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt và các phương tiện giao thông thủy đi lại qua các cống thuận lợi.

Đối với hộ gia đình, các tổ chức, để lấy nước hợp lý cho từng loại cây trồng, vật nuôi và nước sinh hoạt trong thời gian độ mặn sông, rạch lên cao thì tốt nhất là nên tự trang bị máy đo mặn đủ chuẩn để đo mặn trước khi sử dụng nguồn nước nhằm tránh rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong thời kỳ bị ảnh hưởng của XNM.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh