Để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Đề án số 2804, Đề án số 295 cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đến nay, việc thực hiện 2 đề án này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
|
Nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách, các đề án, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đã được phân bổ, giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng. |
Để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Đề án số 2804, Đề án số 295 cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đến nay, việc thực hiện 2 đề án này đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trao “cần câu” giúp người dân khôi phục sản xuất
Theo ông Trương Thanh Hà- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, năm 2023, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, doanh số cho vay tín dụng chính sách đến hết năm 2023 đạt 1.182 tỷ đồng với 31.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng đạt 23,5%.
Đặc biệt, với Đề án số 2804, tỉnh Vĩnh Long là địa phương đầu tiên trong khu vực ĐBSCL, triển khai thực hiện chính sách cho vay dành cho cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hộ gia đình Trương Thị Hồng Diệu (ấp Đông Thạnh A, xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) vay 90 triệu đồng từ một chương trình tín dụng chính sách “để làm vốn liếng mua bán tạp hóa”. Có nguồn vốn, tạo điều kiện để nguồn hàng thêm phong phú, ổn định, thu nhập của gia đình đã cải thiện rõ rệt, nâng cao kinh tế đời sống.
Còn gia đình ông Nguyễn Xuân Phong (ấp An Thới, xã An Bình, huyện Long Hồ) thì đi hướng khác, đó là “đầu tư vườn sinh thái để thu hút du khách” bằng việc vay vốn chương trình tín dụng 90 triệu đồng. Việc đa dạng sản phẩm kinh doanh dịch vụ du lịch có thể kỳ vọng phát triển hướng tới.
Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai nhịp nhàng, hiệu quả.
Cùng với đó là mạng lưới hoạt động rộng khắp của chi nhánh NHCSXH tỉnh, đưa vốn về tận trụ sở UBND cấp xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi, dưới sự chứng kiến, giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó, nguồn vốn đến tay đối tượng thụ hưởng kịp thời, đúng lúc, góp phần quan trọng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Lê Thanh Bình- Trưởng ấp Mỹ Điền (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) đã “phát huy vai trò của trưởng ấp trong quản lý tín dụng chính sách” trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Đó là khi vị cán bộ ấp nắm được hiện trạng số hộ trong ấp đã vay vốn, hộ vay thuộc tổ tiết kiệm vay vốn nào, hộ vay mới, hộ thuộc đối tượng thụ hưởng vay vốn nhưng chưa được vay để có ý kiến trong cuộc họp bình xét cho vay.
Tính đến nay, trên địa bàn ấp Mỹ Điền đã triển khai 6 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ 3,8 tỷ đồng, với 120 hộ còn dư nợ. Theo cán bộ ấp này, nguồn vốn đã giúp các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,1% vào cuối năm 2023 (giảm 0,13% so với cuối năm 2022).
Hiệu quả từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách
Theo ông Trương Thanh Hà, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 để khôi phục sản xuất.
Nguồn vốn đã giải ngân cho hơn 31.000 lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho gia đình; duy trì việc làm, tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động, tạo điều kiện cho 375 lao động vay vốn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động; cho vay xây dựng cho hơn 25.000 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn;...
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao nỗ lực của NHCSXH tỉnh cùng các địa phương, các ngành, đoàn thể và tổ tiết kiệm vay vốn trong hành trình đưa nguồn vốn đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn được trao kịp thời và hướng dẫn sử dụng hiệu quả đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhu cầu vốn của người nghèo còn lớn, do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp cần tiếp tục quan tâm triển khai hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, cần bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.
|
Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp vào công tác giảm nghèo bền vững, xây nông thôn mới. |
Trong quá trình triển khai cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý nguồn lực, đồng thời tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến để người dân học tập và mạnh dạn tiếp cận, sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Bên cạnh đó, NHCSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cần chủ động tham mưu NHCSXH Việt Nam bố trí nguồn vốn để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh.
Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, huyện cần phối hợp với các sở, ngành, phòng, ban liên quan tham mưu cho UBND cùng cấp bố trí nguồn vốn ủy thác địa phương sang ngân hàng để cùng với nguồn vốn Trung ương kịp thời cho vay nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững; bố trí nguồn vốn thực hiện các đề án đã được phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: THÁI QUYÊN