Cuối tháng 12, một số địa phương bắt đầu công bố báo cáo thưởng Tết. Thống kê chưa đầy đủ, song đã cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về mức thưởng cao nhất, thấp nhất giữa các tỉnh, thành phố.
Cuối tháng 12, một số địa phương bắt đầu công bố báo cáo thưởng Tết. Thống kê chưa đầy đủ, song đã cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về mức thưởng cao nhất, thấp nhất giữa các tỉnh, thành phố.
Các doanh nghiệp cố gắng duy trì thưởng Tết để động viên người lao động. |
Mức thưởng Tết cao nhất ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Sáng 27/12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban quý IV/2023 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến về công tác chuẩn bị chăm lo Tết, nhất là công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện chế độ chính sách với người có công, người nghèo... và công tác tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về tiền lương, tiền thưởng Tết Giáp Thìn 2024 trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 205 triệu đồng/người.
Cụ thể, đối với công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Tiền lương bình quân năm 2023 là 7 triệu đồng/người/tháng; mức thưởng Tết Dương lịch bình quân 650.000 đồng/người; đối với Tết Giáp Thìn 2024, mức thưởng bình quân 3,1 triệu đồng/người.
Đối với công ty cổ phần có góp vốn chi phối của nhà nước: Tiền lương bình quân năm 2023 là 7 triệu đồng/người/tháng; mức thưởng Tết Dương lịch bình quân 500.000 đồng/người; đối với Tết Giáp Thìn 2024, mức thưởng bình quân 3,3 triệu đồng/người.
Đối với khối doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân năm 2023 là 7,4 triệu đồng/người/tháng; mức thưởng Tết Dương lịch bình quân 500.000 đồng/người; đối với Tết Giáp Thìn năm 2024, mức thưởng bình quân 4 triệu đồng/người. “Doanh nghiệp có mức thưởng Tết Giáp Thìn cao nhất là 205 triệu đồng/người”, bà Liên Hương cho biết.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, đến nay đã có hơn 800 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo tiền thưởng Tết Nguyên đán năm 2024.
Mức tiền thưởng cao nhất là 5,686 tỷ đồng/người thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là công ty chuyên về thiết kế và sản xuất các thiết bị tự động hóa và các bộ phận cơ khí.
Mức tiền thưởng bình quân trên địa bàn tỉnh là 7 triệu đồng/người, mức tiền thưởng thấp nhất 500.000 đồng/người đối với người mới vào làm việc dưới 12 tháng.
Đối với Tết Dương lịch, có 603 doanh nghiệp trên địa bàn đã báo cáo với 50.110 lao động. Mức tiền thưởng bình quân 1 triệu đồng/người; mức cao nhất là 6 triệu đồng/người; mức thấp nhất 100.000 đồng/người đối với người lao động mới vào làm việc dưới 12 tháng.
Địa phương có mức tiền thưởng Tết cao thứ hai là TP Đà Nẵng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của 116 doanh nghiệp, mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 cao nhất hơn 1 tỷ đồng thuộc về một doanh nghiệp dân doanh.
Tại các công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cao nhất là 45 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng. Các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, tiền thưởng cao nhất là 150 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.
Nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) có tiền thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là hơn 311 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng.
Mức thưởng Tết cao thứ ba là Quảng Nam với 636 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có hơn 20 địa phương đã công bố tình hình tiền lương, thưởng Tết.
Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đến ngày 26/12, cơ quan này đã tiếp nhận báo cáo của khoảng 30 tỉnh, thành phố. Năm nay, do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cách nhau khá xa nên nhiều doanh nghiệp định hình tiền lương, thưởng Tết Âm lịch chưa được rõ ràng.
“Đây cũng là lý do địa phương chậm gửi báo cáo về Bộ”, ông Hưng lý giải. Dự kiến cuối tháng 12/2023, chậm nhất đầu tháng 1/2024, cục sẽ có báo cáo sơ bộ.
Hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau
Về phía tổ chức Công đoàn, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) cho hay, hiện Công đoàn tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập, thưởng Tết cụ thể.
Từ đó huy động thêm các nguồn lực của toàn xã hội nhằm chăm lo tốt nhất cho đoàn viên và người lao động.
Tổng LĐLĐ cũng đã xây dựng kế hoạch chăm lo Tết và dành một nguồn lực nhất định để có những phần quà cho công nhân hơn 63 tỉnh, thành phố, với số lượng khoảng hơn 19.000 phần quà.
Mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 300.000 bằng lương thực, cũng như các sản phẩm thiết yếu cho đoàn viên, người lao động.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính và nguồn kết dư của các năm trước, để tính toán một cách phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên, người lao động tại đơn vị mình nhằm chăm lo Tết.
Bên cạnh đó, Công đoàn cũng dành một nguồn lực khoảng hơn 500.000 tỷ đồng để chăm lo cho hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bằng tiền mặt, mỗi suất quà là 500.000 đồng…
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ cố gắng duy trì để có một khoản thưởng trong dịp Tết ít nhất bằng mọi năm, nhằm động viên người lao động.
Nhận định về tình hình thưởng Tết năm 2024, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, qua nắm bắt sơ bộ thì đến nay các doanh nghiệp đã có phương án thưởng Tết cho người lao động.
“Tất cả doanh nghiệp tùy theo tình hình hoạt động của mình sẽ có những mức thưởng phù hợp đối với từng ngành nghề, điều kiện. Lương, thưởng năm nay cũng chắc chắn sẽ có điều chỉnh tăng ở mức phù hợp”, ông Phòng nói.
Đại diện VCCI cũng kỳ vọng sang năm tới tình hình sẽ sáng sủa hơn với các điều kiện được cải thiện, từ đó bảo đảm các chế độ lương, thưởng tốt hơn cho người lao động.
Trong khi nông nghiệp là “điểm sáng” thì các ngành như công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang giảm việc làm, giảm đơn hàng, kéo theo giảm doanh thu, giảm thu nhập, lương thưởng cho người lao động.
Trước tình hình đó, VCCI đã có kiến nghị các ngành chức năng có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Thí dụ miễn giảm giãn thuế, chính sách lãi suất ngân hàng, hỗ trợ kinh doanh...
Lãnh đạo VCCI đánh giá một số doanh nghiệp trả tháng lương thứ 13, 14, hỗ trợ tàu xe về Tết cho người lao động chính là sự cảm thông, chia sẻ giữa người sử dụng lao động với lao động của mình.
Là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam thông tin, đến nay các doanh nghiệp trong ngành đều đã có phương án trả lương, thưởng, nghỉ Tết cho người lao động.
“Doanh nghiệp nào thưởng ít nhất cũng một tháng lương, thậm chí có doanh nghiệp thưởng đến bốn tháng lương”, ông Thuấn thông tin. Về tình hình đơn hàng, việc làm của ngành trong năm tới, ông Thuấn nhìn nhận, hiện thị trường thế giới vẫn bất định và các thị trường xuất khẩu của Việt Nam hàng tồn kho còn rất nhiều.
“Vì thế, từ quý III/2024 trở đi đơn hàng mới có sự cải thiện. Quý I, quý II/2024 dù tình hình có thể sáng hơn năm 2023 nhưng chưa thể quay lại thời kỳ của năm 2022 được”, đại diện Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam nhận định.
Theo AN NHƯ- VĂN HẢI/Báo điện tử Nhân dân