Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Phát huy hiệu quả tích cực

02:12, 20/12/2023

"Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" là chuyên đề nhằm tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện; kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục (GD) phát triển toàn diện.

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tiến tới xây dựng trường mầm non hạnh phúc.
Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, tiến tới xây dựng trường mầm non hạnh phúc.

“Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” là chuyên đề nhằm tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện; kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục (GD) phát triển toàn diện.

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ở Vĩnh Long đã đạt được những kết quả khả quan; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyên đề vẫn còn một số hạn chế cần kịp thời khắc phục để việc thực hiện chương trình GDMN đạt được những kết quả mong đợi.

Chất lượng giáo dục mầm non nâng lên

Theo bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT, phát huy kết quả đạt được của chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020; từ năm 2021 đến nay, Sở GD-ĐT đã có các biện pháp tích cực tiếp tục triển khai và đạt được những chuyển biến tích cực như:

xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề theo lộ trình từng năm; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chuyên đề để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động của cơ sở GDMN mang lại hiệu quả.

“Qua đó, GDMN trong tỉnh đã tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Điển hình như: giúp trẻ có nhiều cơ hội được thực hành, khám phá, trải nghiệm và thể hiện khả năng bản thân, nhờ đó, trẻ tự tin, chủ động hơn trong giao tiếp; đặc biệt đối với trẻ 5 tuổi được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng để vào học lớp 1”- bà Trương Thanh Nhuận đánh giá.

Để thực hiện tốt hơn chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Trường Mầm non KCN Hòa Phú (Long Hồ) thực hiện nội dung “Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và GD trẻ với phương pháp, hình thức tổ chức hợp lý; tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.

Cô Võ Thị Bích Loan- Hiệu trưởng Trường Mầm non KCN Hòa Phú, ví dụ: “Thông qua các hoạt động ngoài trời như chơi cát nước, chơi ở khu sân cỏ phát triển vận động, chợ quê, chơi dân gian, dạo chơi tham quan, trò chơi tập thể,… tạo cho trẻ sự nhanh nhẹn và thích ứng với môi trường tự nhiên đồng thời trẻ tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống. Qua đó, trẻ dần phát triển trí tuệ, thể chất, tình cảm quan hệ xã hội nhằm phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.

Ngoài ra, còn có các hoạt động cho trẻ trải nghiệm như xâu vòng, xếp hình khối, chơi với đất nặn, đồ chơi,… trẻ được tương tác với đồ vật, trẻ tự khám phá, hiểu được đặc điểm các đồ vật, cách sử dụng các đồ vật”.

Chia sẻ nội dung xây dựng môi trường bên ngoài lớp học, cô Nguyễn Thị Kim Anh- Tổ trưởng Tổ chuyên môn, Trường Mầm non Tuổi Thơ (Bình Tân) cho biết: “Môi trường ngoài lớp học là yếu tố góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc GD toàn diện cho trẻ. Xây dựng môi trường trên sân phù hợp, an toàn, sạch đẹp, hấp dẫn sẽ tạo cơ hội cho trẻ hoạt động, đáp ứng nhu cầu vui chơi của trẻ”.

Tiếp tục giáo dục trẻ toàn diện

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chuyên đề vẫn còn một số hạn chế cần kịp thời khắc phục để việc thực hiện chương trình GDMN đạt được những kết quả mong đợi.

Trong việc tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và GD trẻ, Trường Mầm non KCN Hòa Phú còn gặp một số khó khăn đặc thù đối tượng.

Cô Võ Thị Bích Loan chia sẻ: “Đa số cha mẹ trẻ là công nhân nên không có nhiều thời gian quan tâm đến việc học của trẻ nên sự phối hợp với nhà trường trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp khó khăn. Trường cũng đang thiếu 1 phó hiệu trưởng, đa số cán bộ quản lý trẻ, mới tiếp nhận công tác quản lý nên chưa có nhiều kinh nghiệm”.

Chia sẻ kinh nghiệm và định hướng tương lai, cô Bùi Nam Hồng- Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (TX Bình Minh) cho hay:

“Để thực hiện tốt chương trình xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường cần đảm bảo đúng quy trình phát triển chương trình GD; hiệu trưởng cần tổ chức quán triệt chủ trương, định hướng phát triển chương trình của nhà trường tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Sau khi thống nhất, thì phân công thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển chương trình và tổ chức thực hiện sao cho phù hợp”.

Chuyển đổi số trong GDMN là một “hành trình” đưa những công nghệ mới giúp cho công tác GD và quản lý được hiệu quả hơn.

Chia sẻ vấn đề này, cô Thạch Thị Ngọc Oanh- giáo viên Trường Mầm non TT Vũng Liêm (Vũng Liêm) cho biết: “Vấn đề mà trường gặp phải khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhà trường là kinh phí, tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Bên cạnh đó, việc không thống nhất trong các dữ liệu phần mềm ứng dụng cũng gây khó khăn cho nhà trường, có nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng có nhiều mảng trùng nhau, chồng chéo, gây nhiều việc cho công tác thống kê.

Nhà trường cần có một nền tảng dùng chung để phục vụ công tác chuyên môn, bảo đảm hiệu quả trong việc quản lý GD”.

Bà Trương Thanh Nhuận cho biết: “Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng các nội dung để bồi dưỡng cho đội ngũ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện chuyên đề nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình GDMN, đáp ứng tốt nhất mục tiêu, yêu cầu của cha mẹ và cộng đồng xã hội đối với GDMN.

Trong đó, các chuyên đề bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng GDMN thì chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” nhằm tiến tới “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”.

Bà Trương Thanh Nhuận đánh giá: Điểm nhấn của chương trình là nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên trong việc tổ chức xây dựng và sử dụng môi trường GD phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương. Đặc biệt có trường chủ động chỉ đạo cho giáo viên trong việc áp dụng các hình thức, phương pháp, mô hình GD tiên tiến; phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ, theo quy định để phát triển chương trình GD nhà trường.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh