BHXH là chỗ dựa cho người lao động (LĐ) những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già, không còn khả năng LĐ. Song, việc gia tăng số người rút trợ cấp BHXH một lần là điều đáng lo ngại không chỉ đối với hệ thống an sinh xã hội quốc gia mà ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người LĐ.
Người lao động đến nộp hồ sơ nhận BHXH một lần tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ BHXH. |
BHXH là chỗ dựa cho người lao động (LĐ) những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già, không còn khả năng LĐ. Song, việc gia tăng số người rút trợ cấp BHXH một lần là điều đáng lo ngại không chỉ đối với hệ thống an sinh xã hội quốc gia mà ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người LĐ.
Vĩnh Long trên 15.500 người nhận BHXH một lần
Báo cáo thống kê của Bộ Lao động-TB-XH cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, cả nước giải quyết cho hơn 947.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm LĐ.
Tình trạng người LĐ thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm đã gia tăng số người rút BHXH một lần. Cùng với đó, phần lớn người LĐ có thu nhập thấp, không có tích lũy, trong khi nhu cầu chi tiêu lớn, điều này buộc họ phải rút tiền để trang trải những khó khăn trước mắt.
Riêng Vĩnh Long, số người làm hồ sơ hưởng BHXH một lần trong 10 tháng của năm 2023 là trên 15.530 người với số tiền trên 660 tỷ đồng, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2022. Những người hưởng BHXH một lần chủ yếu là LĐ trẻ, từ trên 20 tuổi đến 40 tuổi (chiếm hơn 70% trong tổng số người hưởng BHXH một lần). Người LĐ nhận được một số tiền không lớn để giải quyết nhu cầu trước mắt nhưng về lâu dài lại mất đi rất nhiều quyền lợi.
Chị N.T.N.P. (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) nghỉ việc tại một công ty may ở KCN Hòa Phú tháng 10/2022. Sau khi đắn đo, chị P. quyết định chốt sổ BHXH, nhận một khoản tiền để làm vốn buôn bán tại nhà. “Tôi biết rút bảo hiểm như vậy nên sắp tới có việc làm phải đóng lại từ đầu. Biết vậy nhưng giờ tiền học cho hai con hàng tháng cũng phải có để phụ hợ với chồng, chứ nghề sửa xe của ảnh cũng ngày được ngày ế. Vợ chồng tôi mới ngoài 30 cũng chưa nghỉ tới lương hưu, giờ trước mắt cần khoản tiền làm vốn để buôn bán trái cây nhỏ và chờ công việc mới”- chị P. tâm sự.
Lúc còn trẻ đi làm đóng BHXH là khoản tiền để dành cho tương lai lúc về già, nhưng nhiều người lại nhìn nhận đây như một khoản thu nhập sau khi nghỉ việc. Anh H.V.H. (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) tâm sự: “Tôi tham gia bảo hiểm cũng hơn 10 năm, do thời gian dịch kéo dài cũng cần số tiền để xoay xở cho nên tôi muốn rút BHXH một lần. Tôi không đóng bảo hiểm nữa, bởi còn hơn 25 năm mới hưởng lương hưu nên giờ nhận tiền trước mắt đã”.
Rút BHXH một lần và những hệ lụy
Năm 2022, chị P.T.P.T. (41 tuổi TP Vĩnh Long) từng theo phong trào rút BHXH một lần với 94 triệu đồng cho gần 10 năm làm việc. Nhưng khi bước vào tuổi ngoài 40, chị bắt đầu lo lắng cho mình khi về già không có lương hưu nên giờ đây chị đang đóng BHXH tự nguyện với mức 1,5 triệu đồng/tháng.
Số tiền BHXH một lần chị đã nhận tính ra chỉ đủ cho chị đóng hơn 5 năm BHXH tự nguyện. Đây là điều tiếc nuối lớn nhất của chị.
Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, khoản tiền BHXH được xem là của để dành của người LĐ.
Trong bối cảnh khó khăn, việc rút BHXH một lần có thể tiếp tục gia tăng bởi nhiều LĐ, đặc biệt là LĐ trẻ đã không ngần ngại rút BHXH một lần để rồi sau khi hết tuổi LĐ, không có lương hưu, cuộc sống về già gặp nhiều khó khăn và tạo thêm áp lực, gánh nặng an sinh cho gia đình và xã hội nếu không có tích lũy.
“Quan điểm của Đảng là BHXH toàn dân nhằm giảm gánh nặng cho Nhà nước trong tương lai. Bởi nếu để cho người LĐ rời mạng lưới an sinh xã hội thì trong tương lai sẽ rất khó khăn khi người LĐ hết tuổi lao động, hay bị bệnh nhưng lại không có lương hưu, không có BHYT sẽ trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội”- ông Ngô Tuấn Anh nói.
Thời gian qua BHXH tỉnh Vĩnh Long đã, đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm góp phần hạn chế người hưởng BHXH một lần.
Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cần phối hợp với BHXH các địa phương tăng cường tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người LĐ để giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người LĐ; giải thích để người LĐ hiểu tham gia BHXH là phương án tích lũy cho tương lai, là hình thức tiết kiệm an toàn, bảo đảm lợi ích lâu dài.
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần người LĐ hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi LĐ.
Nhất là trong thời gian tới đây người LĐ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm. Và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người LĐ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.
BHXH là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, được hưởng lương hưu hàng tháng trang trải cuộc sống. |
“Người LĐ cần cân nhắc khi có ý định rút BHXH một lần. Người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện. Người LĐ đang thất nghiệp, chưa tìm được việc làm có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm mới”- Phó Giám đốc BHXH Ngô Tuấn Anh cho hay.
“Khi tuổi đời còn trẻ ai cũng nói lương hưu thấp nhưng khi về già có một khoản thu nhập ổn định hàng tháng sẽ giúp người cao tuổi sống an nhàn và tự chủ hơn. Chưa kể, việc rút BHXH một lần sẽ khiến người LĐ mất đi cơ hội được tham gia BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu, không được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, với mức được chi trả lên đến 95%. Việc rút BHXH một lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho người LĐ”- Phó Giám đốc BHXH Ngô Tuấn Anh nói. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG