Phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế

07:12, 12/12/2023

Chiến lược dân số (DS) Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu "duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng".
 

 

 Tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình.
Tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình.
Chiến lược dân số (DS) Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh mục tiêu “duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng”.
 
Đây là những định hướng chính sách về DS rất kịp thời, nhằm cải thiện thực trạng mức sinh thấp tại một số vùng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là nơi xuất hiện xu hướng mức sinh thấp. Để đạt được điều này đòi hỏi phải có chính sách, chiến lược hỗ trợ công tác DS trong thời gian tới.
 
Việt Nam đối mặt với mức sinh giảm dần
 
Theo Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), hiện có 21 tỉnh, thành phố (trong đó có Vĩnh Long) có mức sinh thấp, tập trung ở các địa phương khu vực phía Nam, có điều kiện kinh tế phát triển, đô thị hóa cao.
 
Giới chức ngành DS lo ngại mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Rồi lo ngại già hóa DS, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gia tăng sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư... tác động lớn đến mức sinh thấp.
 
Trước thực trạng này, Tổng cục DS-KHHGD vận động mỗi cặp vợ chồng, gia đình nên sinh 2 con tại vùng có mức sinh thấp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản...
 
Chia sẻ tại hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp do Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) và Hội Sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức trung tuần tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Hiện Bộ Y tế, ngành DS cũng đã đề xuất các giải pháp để cân bằng mức sinh giữa các vùng, nhất là các vùng có mức sinh thấp về mức sinh thay thế.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện chúng ta cần tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con, các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với việc phát triển kinh tế- xã hội, đối với gia đình và chăm sóc ba mẹ khi về già để người dân hiểu. Đồng thời, tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt.
 
Bên cạnh đó, việc thí điểm và từng bước mở rộng các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp là rất cần thiết.
 
Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như: Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi. Đồng thời xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con…
 
Vĩnh Long tiến tới đạt mức sinh thay thế vào năm 2030
 
Là một trong những tỉnh có mức sinh thấp với số con bình quân của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bình quân chỉ đạt 1,83 con (năm 2022), tỉnh Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền vận động người dân sinh đủ 2 con và phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế.
 
Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới, Vĩnh Long tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng- đối tượng có mức sinh cao; nỗ lực đạt mức sinh thay thế,... Đồng thời, tập trung chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGĐ sang DS và phát triển.
 
Theo đó, công tác truyền thông, vận động luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú như cấp phát tờ rơi, tư vấn nhóm, tọa đàm, vãng gia, nói chuyện chuyên đề,… Cộng tác viên DS đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhất là các cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sinh đẻ, vận động khuyến khích những cặp vợ chồng đã sinh 1 con nên sinh đủ 2 con, bởi đây là việc làm hết sức quan trọng cho tương lai.
 
Chị Phạm Thùy Uyên (TP Vĩnh Long) cho rằng: “Thiết nghĩ, để thực hiện khuyến sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con, mà quan trọng nhất vẫn là những chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con để làm thế nào họ có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện phát triển tốt nhất”. 
 
Đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế, Vĩnh Long phấn đấu tăng 4% tổng tỷ suất sinh bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến năm 2025 là 1,88 con/phụ nữ và tăng lên 6% đến năm 2030 là 1,99 con/phụ nữ.
 
Để các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, thực hiện mục tiêu về chính sách DS của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới, không chỉ riêng ngành DS mà các gia đình, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải cùng vào cuộc.
 
Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, có chính sách hỗ trợ kèm theo để người dân thấy được chủ trương này là ích nước, lợi nhà.
Vĩnh Long nỗ lực đưa mức sinh tiến dần mức sinh thay thế.
Vĩnh Long nỗ lực đưa mức sinh tiến dần mức sinh thay thế.
Đạt mức sinh thay thế sẽ phát huy được các lợi thế của DS như quy mô DS sẽ ổn định, cơ cấu tuổi của DS sẽ cân bằng hơn, duy trì tương đối ổn định tỷ lệ DS trong độ tuổi lao động, kéo dài giai đoạn cơ cấu “DS vàng”, làm chậm thời gian chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa DS” sang “DS già”, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững về kinh tế- xã hội của tỉnh trong cả hiện tại và tương lai.
 
Bài, ảnh: MAI ANH
 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh