Tỷ lệ hút thuốc lá (TL) ở nam giới trưởng thành nước ta hiện giảm xuống còn gần 39%, dù vậy, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút TL cao trên thế giới. Thông tin trên được Bộ Y tế thông tin tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của TL vào ngày 12/12.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh ở giới trẻ, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. |
Tỷ lệ hút thuốc lá (TL) ở nam giới trưởng thành nước ta hiện giảm xuống còn gần 39%, dù vậy, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút TL cao trên thế giới. Thông tin trên được Bộ Y tế thông tin tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của TL vào ngày 12/12.
Mỗi năm, Việt Nam có ít nhất 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh như vậy và cho hay công tác phòng chống tác hại TL vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do sử dụng TL.
Tỷ lệ hút TL đã giảm, nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút TL cao trên thế giới. Có 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút TL. Tình trạng phơi nhiễm với khói TL còn phổ biến tại các nhà hàng, quán bar và một số nơi tập trung đông người.
Thuế TL của Việt Nam còn rất thấp, gần thấp nhất trong khu vực ASEAN. Giá các sản phẩm TL rẻ trong khi thu nhập bình quân đầu người tăng. Các sản phẩm TL được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tiếp cận với các sản phẩm TL, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
“Bên cạnh đó, trong những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là TL điện tử, TL nung nóng, shisa.
Việc sử dụng TL điện tử đang tăng nhanh đặc biệt trong lứa tuổi học sinh. Những khó khăn này ảnh hưởng lớn tới các nỗ lực phòng, chống tác hại của TL và là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ làm cho tỷ lệ hút TL gia tăng trở lại nếu chúng ta không tiếp tục có các biện pháp quyết liệt và kịp thời”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Gần 39% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc lá
Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về kiểm soát TL và cam kết về Phát triển bền vững đến năm 2030, Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường hơn nữa việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của TL;
thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống tác hại TL, từ truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng đối với việc sử dụng TL đến thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói TL; tiếp tục ủng hộ việc tăng thuế và giá các sản phẩm TL… để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.
Cùng với đó, các bộ, ngành và UBND các cấp tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng chống tác hại của TL. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và sớm ban hành nghị quyết cấm các sản phẩm TL điện tử, TL nung nóng và các sản phẩm TL mới khác để giảm tỷ lệ sử dụng TL.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của TL, cho biết tỷ lệ hút TL ở nam giới trưởng thành của nước ta sau 10 năm đã giảm từ hơn 54% xuống còn gần 39%. Tỷ lệ hút TL trong thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể.
“Tuy nhiên, công tác phòng chống tác hại TL vẫn còn nhiều thách thức rất lớn. Chưa ở đâu TL rẻ như ở Việt Nam, chưa ở đâu TL dễ tiếp cận như ở Việt Nam. Bên cạnh đó là sự gia tăng tỷ lệ hút TL điện tử ở phụ nữ, ở giới trẻ”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Theo ông, TL truyền thống gây chết từ từ nhưng TL điện tử, TL nung nóng có thể gây hậu quả ngay lập tức, thậm chí tử vong. Vì thế, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi “đại dịch” TL, trong đó có xem xét sửa đổi luật.
Bài, ảnh: MAI ANH