Giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh

06:12, 11/12/2023

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các trường học trong tỉnh ngoài truyền thụ kiến thức thì học sinh cần được giáo dục lý tưởng, đạo đức. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số thì việc xây dựng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, được các trường quan tâm nhiều hơn.

  Các em được học kiến thức trực tiếp tại các địa chỉ đỏ.
Các em được học kiến thức trực tiếp tại các địa chỉ đỏ.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các trường học trong tỉnh ngoài truyền thụ kiến thức thì học sinh cần được giáo dục lý tưởng, đạo đức. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số thì việc xây dựng lối sống đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, được các trường quan tâm nhiều hơn.
 
Tăng cường giáo dục đạo đức
 
Việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy và khát vọng cống hiến cho học sinh trong giai đoạn hiện nay được các trường THPT đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả đáng trân trọng.
 
Trong khuôn viên Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh) sáng, xanh, sạch, đẹp với những công trình thanh niên bắt mắt, thầy Nguyễn Công Thuấn- Bí thư Đoàn trường, cho biết: “Nhà trường đã chủ động tăng cường xây dựng mối quan hệ giữa gia đình- nhà trường- xã hội. Xây dựng các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giáo dục, rèn luyện học sinh thông qua hoạt động TDTT trong thanh niên như giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông,… vui chơi an toàn, lành mạnh”.
 
Song song đó, việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương, nhân rộng điển hình tiên tiến như gương người tốt việc tốt, thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã góp phần xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.
 
Theo cô Nguyễn Thị Hằng- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Thái Hiếu (TX Bình Minh), để mỗi học sinh biết tự ý thức rèn luyện đòi hỏi cần phải nâng cao nhận thức của các em, bởi nhận thức sẽ quyết định hành vi. Do đó, Trường THPT Hoàng Thái Hiếu không chỉ dừng lại ở việc tác động một chiều từ bên ngoài mà đòi hỏi mỗi học sinh phải ý thức được việc tự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân.
 
“Chúng tôi tổ chức phát động cho học sinh cam kết thực hiện phong trào “tu dưỡng, rèn luyện” và phong trào “học sinh 3 tốt”, có 100% học sinh tham gia cam kết thực hiện. Giáo viên, nhân viên và học sinh nghiêm túc thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường”- cô Nguyễn Thị Hằng nói.
 
Song song đó, các trường còn thực hiện các hoạt động lồng ghép, tích hợp nội dung giảng dạy đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống ma túy, bạo lực học đường qua một số môn học, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong nhà trường.
 
Trường THPT Hiếu Phụng (Vũng Liêm) trong các năm học qua có vài học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến tình trạng gây gổ, đánh nhau ở mức không nghiêm trọng và đã được xử lý dứt điểm, không còn tái diễn. Trong đó, Trường THPT Hiếu Phụng xác định công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đối với học sinh cần được quan tâm thực hiện.
 
Cần phối hợp chặt chẽ hơn
 
Hiện nay, tội phạm ngày càng có xu hướng phức tạp hơn, độ tuổi người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa, nằm trong độ tuổi học sinh. Ban giám hiệu các trường cần phối hợp với phụ huynh, kết hợp với chính quyền địa phương; song song đó, cần tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp, thu hút học sinh tham gia. 
 
Cô La Nguyễn Tường Vi- giáo viên Trường THCS-THPT Hòa Bình (Trà Ôn) cho rằng: “Các em học sinh ở lứa tuổi từ 12-17, là giai đoạn hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân quá cao. Các em chưa định hình được lý tưởng sống cho bản thân nên rất dễ sa ngã”. 
 
Do đó, Trường THCS-THPT Hòa Bình tích cực phối hợp với Ban Đại diện Hội Cha mẹ học sinh tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình học tập ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm…
 
Qua đó, giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng thêm về kiến thức thực tế, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; duy trì việc tổ chức họp phụ huynh học sinh ít nhất 2 lần/năm. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý của tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường, giúp học sinh tự tin và có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
 
Cô Tường Vi chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường về các biện pháp nhằm quản lý việc sử dụng internet, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Zalo của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội”.
 
Chia sẻ thực trạng tại Trường THPT Hựu Thành (Trà Ôn), cô Nguyễn Thị Hồng, nói: “Khó khăn hiện nay của trường là học sinh chưa chủ động, thường ngại tư vấn tâm lý do các em có suy nghĩ “Tư vấn tâm lý là có vấn đề” hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ”.
 
Trường THPT Hựu Thành giới thiệu, tuyên truyền cho học sinh kế hoạch hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường, vị trí của phòng tư vấn tâm lý. Từ đó, giúp học sinh tìm được động lực niềm tin trong học tập, trong cuộc sống. “Một số em từ bỏ ý định nghỉ học, không còn cảm giác quá sợ giáo viên bộ môn, chịu tham gia phát biểu, thảo luận nhóm, hòa đồng hơn với bạn bè,...”- cô Hồng chia sẻ.
 
Nhìn chung, để giáo dục lý tưởng, đạo đức học sinh các trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đối với giáo viên cần giáo dục ý thức tự giác, tự trau dồi kiến thức pháp luật để vận dụng vào giảng dạy lồng ghép sinh động trong các buổi học chính khóa.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Hựu Thành vận động 220 triệu đồng, giúp đỡ cho hơn 166 học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh bị bệnh nặng; khen thưởng học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, tặng quà hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, nguồn xã hội hóa còn hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho học sinh tham gia các kỳ thi do các cấp tổ chức
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh