Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, khéo vận động an sinh

07:12, 06/12/2023

Kết thúc chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, các cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, vận động đóng góp an sinh xã hội, giúp cho đồng đội, hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên.

 

 

Hội đã hỗ trợ tốt cho các địa phương trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Hội đã hỗ trợ tốt cho các địa phương trong xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Kết thúc chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, các cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, vận động đóng góp an sinh xã hội, giúp cho đồng đội, hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên.

Cùng nhau phát triển

Cách nay 6 năm, được Trung tâm Khuyến nông TP Vĩnh Long hỗ trợ 2.000 con lươn giống, 50% chi phí thức ăn và tập huấn kỹ thuật, ông Lâm Ngọc Sơn- Chi hội phó CCB Khóm 3 (Phường 8) đã mua thêm 2.500 con lươn giống để phát triển mô hình.

Sau một năm, ông Sơn thu hoạch và bán với giá 220.000 đ/kg,
lợi nhuận 80 triệu đồng. Qua đó, ông đã nhân rộng lên 5 bể nuôi với 10.000 con lươn. Nhờ nuôi đúng quy trình, không thuốc kháng sinh, nên tỷ lệ đạt cao và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ việc nuôi lươn hiệu quả, điểm kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm lươn thịt được thành lập do ông Sơn làm tổ trưởng. Đây là tổ hội nghề nghiệp nuôi lươn đầu tiên ở TP Vĩnh Long. Hiện, ông gắn kết với khoảng 20 hộ nuôi lươn, giúp các hộ này tìm mua con giống chất lượng và phân phối đầu ra với giá tốt. Về phía người thu mua cũng khá tiện lợi vì không phải tốn xăng xe di chuyển xa. Cách làm này giúp cả đôi bên cùng có lợi.

Ông Sơn cho hay, thời gian gần đây giá lươn không cao, khoảng 85.000 đ/kg (bán xô). Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn ổn định, vì trước đây giá con giống 5.000-6.000 đ/con, hiện chỉ còn 2.000-2.200 đ/con, “nuôi theo đúng quy trình thì vẫn một lời một”- ông Sơn khẳng định.

Là một trong những hộ tham gia nuôi lươn đầu tiên từ chương trình hỗ trợ, ông Sơn đã phát triển mô hình nuôi lươn khá hiệu quả và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Qua đây, ông sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kiến thức nuôi lươn để cùng nhau phát triển. “Tôi làm với tâm và nhiệt huyết, biết gì thì sẵn sàng trao đổi, chia sẻ”- ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, chi phí đầu tư nuôi lươn không nhiều, mỗi bể khoảng 6-8m2, chỉ xây một lần là nuôi hoài. Mô hình này khá phù hợp với hộ có diện tích nhỏ hẹp ở đô thị.

Công việc cũng khá nhàn, thuận cho người lớn tuổi, vì khâu chăm sóc nhẹ, mỗi ngày chỉ cần cho lươn ăn 2 lần và thay nước một lần. Thời gian rỗi có thể làm thêm nhiều việc khác để gia tăng thu nhập, như gia đình ông thì bán quán nước giải khát, lúc rảnh thì đan đồ thủ công mỹ nghệ. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông khá ổn định.

Giúp đồng đội vươn lên

Với tỷ lệ thương tật 81%, ông Phạm Văn Út, tên thường gọi Út Vinh- Chi hội phó CCB Khóm 4 (Phường 8) là thương binh loại I. Vượt qua khó khăn về tuổi tác, sức khỏe, ông vẫn từng ngày đóng góp một phần công sức mình cho quê hương, sẵn sàng hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống...

Tuy bản thân chịu nhiều thương tích, mất đi một phần thân thể (mất một tay và một mắt) ở chiến trường xưa, sức khỏe hạn chế so với người khác, nhưng ông Út Vinh vẫn không quản ngại khó khăn, cần mẫn đi vận động đồng đội, tham gia các phong trào do địa phương phát động như: giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; trồng cây trên các tuyến đường, thực hiện mô hình “sáng, xanh, sạch, đẹp”; phối hợp với các lực lượng chức năng nhắc nhở người dân không chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường; bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, nhằm tạo diện mạo cho đô thị được khang trang.

Vào các dịp lễ Tết, ông Út Vinh thường xuyên vận động những đồng đội có điều kiện hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. 8 năm qua, ông đã vận động xây và sửa chữa 12 căn nhà Mái ấm đồng đội và nhà Đại đoàn kết hỗ trợ hội viên nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

“Để vận động hiệu quả thì dùng tình cảm là chính, vì mình vận động các anh em quen biết, mình hiểu rõ người nào có điều kiện và có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, chọn hỗ trợ đúng đối tượng thì sẽ rất dễ vận động”- ông Út Vinh nói.

Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các cấp hội và sự vươn lên của những người lính Cụ Hồ, mà đến nay 100% hội viên trong chi hội không còn hộ nghèo và cận nghèo.

“Tôi luôn mong sao được đóng góp một phần nhỏ nào đó cho các phong trào hành động cách mạng của địa phương, có điều kiện gần gũi và chăm lo cho mọi người, nhất là đối tượng chính sách bị thương tật như tôi. Đồng thời, tạo điều kiện anh em CCB được hưởng quyền lợi của mình...”- ông Út Vinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội CCB các cấp lần thứ VII, hội CCB các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá lớn về giảm nghèo, về thực hiện phong trào “CCB gương mẫu” và động viên cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành- Đoàn kết- Gương mẫu”, hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.

Trong năm qua, đã tổ chức thành công Đại hội Hội Doanh nhân CCB tỉnh. Sau khi đi vào hoạt động, đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội. Thực hiện nghĩa tình đồng đội, toàn hội đã vận động cất 19 căn nhà Mái ấm đồng đội, đạt 211% kế hoạch và sửa chữa 6 căn nhà với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Đồng thời, giúp 9 hội viên vươn lên thoát nghèo, đạt 128% kế hoạch, hiện còn 37 hộ nghèo, chiếm gần 0,3%. Đến nay, có 105/107 hội CCB cấp xã và 8/8 hội CCB cấp huyện cơ bản không còn hộ nghèo.

“Năm 2024, hội tiếp tục hỗ trợ Hội Doanh nhân CCB tỉnh ổn định tổ chức, triển khai các chương trình hoạt động gắn với thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; thực hiện đột phá công tác giảm nghèo và giải quyết cơ bản không còn hội viên khó khăn về nhà ở”- ông Nguyễn Văn Minh cho biết.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh