Theo ngành y tế Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Hiện, ngành y tế vẫn đảm bảo công tác điều trị, tăng cường giám sát ca bệnh và đẩy mạnh các biện pháp khống chế kịp thời không để bệnh lây lan bùng phát thành dịch trên địa bàn.
Trẻ em nhập viện điều trị tay chân miệng gia tăng tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long. |
Theo ngành y tế Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Hiện, ngành y tế vẫn đảm bảo công tác điều trị, tăng cường giám sát ca bệnh và đẩy mạnh các biện pháp khống chế kịp thời không để bệnh lây lan bùng phát thành dịch trên địa bàn.
Trẻ mắc tay chân miệng tăng cao
Theo Sở Y tế, số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long những tuần gần đây tăng cao, có tuần ghi nhận gần 230 ca mắc. Tính từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 11, tỉnh ghi nhận trên 2.100 ca, tăng hơn 650 ca so với cùng kỳ.
Bé N.A.N. (9 tháng tuổi, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít) được mẹ đưa tới BVĐK Vĩnh Long thăm khám với các triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng. Tại đây, các bác sĩ cho biết bé N. bị TCM, phải nhập viện điều trị. “Bé sốt 2 ngày, mệt mỏi, bú sữa ít, uống thuốc không hạ sốt nên em lo quá đưa vô bệnh viện khám thì bác sĩ cho nhập viện luôn. Vô đây mới thấy nhiều trẻ nhỏ như con em mắc bệnh TCM, nằm đây 3 ngày rồi, giờ con còn hầm hầm nhưng cũng khó chịu khóc hoài”- chị L.K.A.- mẹ bé N., cho biết.
Chị N.T.T.N. (TT Long Hồ) tất bật thay tã, rồi tỉ mẩn đút từng muỗng sữa cho con trai 13 tháng cũng bị bệnh TCM. “Bé sốt, tui tưởng cảm sốt thông thường do trời mưa hổm rày, ai dè vô bệnh viện khám, bác sĩ rọi đèn vô miệng phát hiện nổi đỏ hột trong miệng, nói con bị TCM cần nhập viện theo dõi”- chị N. thở dài.
Quạt mát cho con gái 2 tuổi đang ngủ, chị B.H.T. (Vũng Liêm) cho biết vài ngày trước, trong lúc ăn cơm và uống sữa bé bị ói, miệng bé nổi chỉ vài đốt đỏ. Chị T. cho biết: “Vô viện điều trị nốt ban bé nổi đầy tay chân và cả người luôn. Con bệnh mệt, khóc cũng xót con lắm, nhưng vô viện có y, bác sĩ chăm sóc cũng yên tâm”.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, từ tháng 10 đến nay số ca bệnh TCM tăng nhanh. Riêng trong tháng 10, số ca TCM từ độ 2A trở lên nhập viện gần 200 ca tăng gấp 4 lần so với tháng 9 (57 ca). Trong số những ca nhập viện thì số ca TCM chuyển nặng dao động trong tháng khoảng 20 ca. Hiện bình quân có khoảng 25-30 ca mỗi ngày điều trị tại khoa. Khi các trẻ vào viện đều được kiểm tra virus EV71 và các virus khác.
“Đối với TCM nặng hiện nay, Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long có đầy đủ các thuốc, vật tư, trang thiết bị để điều trị TCM. Trong một số trường hợp TCM chuyển nặng thì cần phải lọc máu liên tục hiện chúng tôi chỉ thiếu điều kiện lọc máu nên những ca nặng phải chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh”- BS Chí Công cho biết.
Đang vào cao điểm của bệnh tay chân miệng
Bệnh TCM tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ nhất là các bé dưới 5 tuổi. Dự báo số ca bệnh sẽ còn tăng thời gian tới, nhất là ở môi trường học đường. Thông thường, hàng năm có 2 thời điểm bệnh TCM bùng phát, là tháng 3-5 và tháng 9-12.
Đây là những tháng trẻ đi học nên nguy cơ lây lan nhiều hơn, trẻ mắc bệnh cũng nhiều hơn. Để phòng ngừa số ca bệnh TCM tăng trên diện rộng, Sở Y tế chỉ đạo y tế các cấp làm tốt công tác phối hợp các địa phương thực hiện tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin, phòng ngừa bệnh đúng cách, góp phần kéo giảm tình hình lây lan bệnh nhiều nơi.
Theo các bác sĩ, bệnh TCM là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện, bệnh chưa có vaccine nên các phụ huynh cần phòng tránh bằng cách tăng cường bảo đảm vệ sinh cho trẻ. Phụ huynh hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi đúng giấc và giữ gìn nhà cửa thông thoáng, giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Nhắc trẻ thường xuyên rửa tay và rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. |
Việc phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá trễ. “Một số biểu hiện thường gặp của bệnh TCM là sốt, tùy từng bé sẽ có mức độ sốt nặng, nhẹ khác nhau. Lưu ý, trường hợp trẻ sốt cao, nếu uống thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả, đây là biểu hiện bệnh khá nghiêm trọng.
Tình trạng trên cũng gây ra một vài triệu chứng khác như trẻ hay bị giật mình khi ngủ, khi đang chơi bình thường. Ngoài ra, dấu hiệu bệnh TCM đặc trưng nhất là da rát đỏ, xuất hiện nhiều mụn nước ở họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc quanh miệng… Phụ huynh cần sớm đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý”- BS.CK2 Trần Chí Công khuyến cáo.
“Nhiều trẻ đã khỏi bệnh TCM nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh, bởi miễn dịch ở trẻ đối với bệnh TCM không bền vững. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi phát hiện các biểu hiện của bệnh. Nếu nhẹ sẽ được các bác sĩ điều trị ngoại trú, tránh để diễn tiến nặng. Vì nhập viện trễ sẽ có những biến chứng khó lường như viêm màng não, viêm cơ tim khiến nguy cơ tử vong trong khoảng 24 giờ nếu không kịp thời can thiệp”- BS.CK2 Trần Chí Công lưu ý. |
Bài, ảnh: QUYÊN ANH