Sức hút của khối ngành kinh tế

05:11, 08/11/2023

Khối ngành kinh tế luôn là một trong những lựa chọn được học sinh ưu tiên hàng đầu khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội thay đổi từng thời kỳ khiến không ít học sinh lớp 12 băn khoăn khi chọn ngành. Chọn học ngành kinh tế, kinh doanh cần những tố chất nào, cơ hội việc làm ra sao?

 

Nhiều học sinh quan tâm đến khối ngành kinh tế.
Nhiều học sinh quan tâm đến khối ngành kinh tế.

Khối ngành kinh tế luôn là một trong những lựa chọn được học sinh ưu tiên hàng đầu khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội thay đổi từng thời kỳ khiến không ít học sinh lớp 12 băn khoăn khi chọn ngành. Chọn học ngành kinh tế, kinh doanh cần những tố chất nào, cơ hội việc làm ra sao?

Ngành rộng, nhiều hướng đi

Chia sẻ với học sinh Vĩnh Long về các nghề, ngành học về kinh tế, kinh doanh, ThS Vũ Quang Huy- Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh- Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh, cho biết: “2 từ kinh doanh rất lớn và rộng, với nhiều ngành như: quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại,... với hướng đi rất lớn”.

Trong ngành quản trị kinh doanh, học rất nhiều kiến thức về kinh tế như kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự,... từ đó, sinh viên có kiến thức và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Vũ Quang Huy, sinh viên học ra trường phần lớn làm nhân viên kinh doanh, tiếp thị, bán hàng,... đó là tất nhiên, các bạn cần một quá trình phấn đấu rất nhiều, ít nhất là 5 năm.

“Tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, phần lớn do các bạn chê lương thấp. Điển hình như TP Hồ Chí Minh sinh viên ra trường làm lương khoảng 8 triệu đồng, nếu chạy Grab các bạn có thể có lương hơn 10 triệu, thậm chí 20 triệu/tháng. Nếu chỉ nghỉ đến mức lương cao trước mắt mà trở thành lao động chân tay thì sẽ đánh mất khả năng thăng tiến cũng như tìm được công việc thu nhập cao hơn trong tương lai”.

Bên cạnh đó, marketing cũng được nhiều học sinh quan tâm. Marketing là một trong những khía cạnh quan trọng của các doanh nghiệp, là yếu tố cần phải có để tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

ThS Nguyễn Ngọc Thạch- Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp- tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế- Tài chính TP Hồ Chí Minh, lý giải: “Trong quá trình học, các bạn được nghiên cứu về chiến lược giá, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, xây dựng thị trường, phát triển thị trường,…

Sau khi sinh viên ra trường, sẽ làm việc liên quan đến quảng cáo, truyền thông, marketing, các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược,… hoặc giảng viên dạy các trường ĐH, CĐ”.

Đối với ngành tài chính ngân hàng, trong chương trình học các bạn sẽ được bồi dưỡng các kỹ năng trong lĩnh vực ngân hàng từ một nhân viên thu ngân, giao dịch, quan hệ doanh nghiệp,... rất nhiều vị trí trong ngân hàng. Ngoài ra, các bạn có thể làm việc ở các công ty: tín dụng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, các doanh nghiệp liên quan tài chính,... “Tốt nghiệp ra trường, các bạn phải làm nhân viên, tùy theo năng lực bạn có thể thăng tiến lên trưởng phòng và xa hơn là CEO”- ThS Nguyễn Ngọc Thạch cho biết.

Tố chất cần có khi học ngành kinh tế

Trong quá trình học tập các khối ngành kinh tế, sinh viên ngoài được cung cấp kiến thức còn được trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư vấn,… để phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ. ThS Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng: “Tự tin, năng động, giao tiếp tốt, yêu thích lĩnh vực kinh doanh, có tư duy sáng tạo, thích mạo hiểm, cần cù, siêng năng, trung thực là những tố chất sinh viên cần có”.

Song song đó, ông Thạch cho là sinh viên kinh tế phải học tốt môn Toán, đây là nền tảng kiến thức quan trọng cho các môn học trong chương trình ĐH.

Đồng thời, ông cũng lưu ý học sinh nghiên cứu chương trình đào tạo của các trường vì mỗi trường có thế mạnh, đặc điểm đào tạo riêng, bên cạnh khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Ví dụ ở một số trường đào tạo khối ngành kinh tế theo chương trình song ngữ; xét tuyển có điều kiện với môn tiếng Anh,…

Với ThS Vũ Quang Huy thì ngành kinh doanh tùy theo hướng lựa chọn và ngành học này dành cho người hướng nội hay hướng ngoại. Hướng ngoại làm việc trực tiếp với khách hàng; hướng nội sẽ chuyên về phân tích dữ liệu, phân tích nghiên cứu để chạy thông tin, quảng cáo đến đúng đối tượng.

Ông Huy ví dụ: “Các bạn gõ trên thanh công cụ tìm kiếm một vật gì thì nó sẽ được phân tích dữ liệu để liên kết đến các trang mạng xã hội của bạn, trên đó sẽ quảng cáo những sản phẩm liên quan cho bạn chọn lựa”.

Chốt lại các vấn đề học sinh quan tâm, ông Thạch cho rằng: “Thất nghiệp là vấn đề toàn cầu. Có 2 yếu tố chủ yếu: khách quan là dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế; chủ quan là năng lực của chính bạn. Cơ quan, doanh nghiệp luôn tuyển dụng những người có năng lực, nếu thật sự giỏi các bạn sẽ không lo thất nghiệp và có mức lương cao. Nếu chỉ học đối phó, học cho qua để về xin việc thì khó lòng tìm được công việc tốt”.

Không ít học sinh cho rằng ngành kinh tế sẽ không còn “khát” nhân lực; thực tế, chừng nào còn kinh tế thị trường và khách hàng còn đặt ra nhu cầu thì vẫn cần nguồn nhân lực khối ngành này. Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng, nhu cầu tuyển dụng- đầu ra của ngành kinh tế hiện nay vô cùng đa dạng có nhu cầu lớn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh