Nếu yêu thành phố- nơi cưu mang mình...

10:11, 09/11/2023

Dù là nơi "chôn nhau cắt rốn" hay "quê hương thứ hai" thì người đô thị cũng dành cho phố mình một tình cảm đặc biệt. Vui buồn theo hơi thở, nhịp sống, với sự đổi mới đi lên và những bước chuyển mình của phố. Từ đó, họ góp của, góp công, dốc sức, dốc lòng để cùng ngành chức năng chung tay dựng xây phố phường mỗi ngày thêm đẹp.

Dù là nơi “chôn nhau cắt rốn” hay “quê hương thứ hai” thì người đô thị cũng dành cho phố mình một tình cảm đặc biệt. Vui buồn theo hơi thở, nhịp sống, với sự đổi mới đi lên và những bước chuyển mình của phố. Từ đó, họ góp của, góp công, dốc sức, dốc lòng để cùng ngành chức năng chung tay dựng xây phố phường mỗi ngày thêm đẹp.

“Bọn nhỏ xóm tôi bây giờ đã trên dưới 60 tuổi”- chú Võ Thanh Vân ở Khóm 5 (Phường 4, TP Vĩnh Long) dí dỏm nói vậy và nhớ lại: “Nhà tui ở xóm Cua “dựa lưng” bên sông Long Hồ, nhà cửa vây quanh ngôi chợ nhỏ. Dưới mé sông là dãy nhà sàn, hướng về chợ lớn Vĩnh Long là xóm Cống…”. Theo chú, ngày nay, xóm Cua đã thay đổi nhiều, khang trang hơn nhưng “không khí tràn ngập yêu thương trong xóm thì vẫn vậy”.

Chú Vân cho biết thêm, những ngày khó quên khi dịch COVID-19 bùng phát, người trong xóm kêu gọi cùng nhau nhường cơm sẻ áo. Và hiện nay, việc nhường cơm sẻ áo này vẫn đang tiếp diễn, đó là những phần ăn sáng ấm áp nghĩa tình hàng tuần được chuẩn bị cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Gắn bó hơn 45 năm và xem TP Vĩnh Long là quê hương thứ hai, chú Trương Quang Tân ở Khóm 1 (Phường 9) nhớ lại: Trước năm 1990, đường Phạm Thái Bường còn là đường đá nhỏ, hai bên rất nhiều trâm bầu.

Lúc đó, chưa có đường Trần Đại Nghĩa, đường Võ Văn Kiệt, mà các khu vực đó là ruộng vườn. Khu nhà tôi ở cũng đi lại trên bờ ranh đất, xài nước từ kinh rạch. “Giờ thì đường sá thông thương, đời sống ngày càng tiện nghi hơn… nên mừng lắm!”- chú Tân xúc động nói.

Những năm gần đây, TP Vĩnh Long được tỉnh, Trung ương đầu tư nhiều dự án trọng điểm, mang tính “động lực” thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tổng số hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng rất lớn.

Theo đó, thành phố đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ đa số các hộ dân trong công tác bồi hoàn giải tỏa để thi công các công trình. Bên cạnh, người dân đã hiến đất xây dựng đường dân sinh. Chưa kể, hầu hết các công trình nâng cấp, mở rộng hẻm nhờ vào sự đóng góp của người dân trong hiến đất, di dời vật kiến trúc…

Qua đó, giúp hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là đối với hệ thống đường giao thông “kết nối phố”.

Thiết nghĩ, để TP Vĩnh Long và các đô thị khác của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, cần huy động mọi nguồn lực, trong đó, có sự chung tay góp sức của người dân đô thị. Nếu yêu thành phố nơi cưu mang mình thì mỗi người hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể. Xem công viên, góc phố cũng là nhà, cây cỏ lá hoa là vườn.

Từ đó, mỗi nhành cây, bụi cỏ cũng muốn cùng chăm sóc, nâng niu cho tươi tốt mãi; cọng rác vô tình rơi xuống đường cũng sốt sắng nhặt lên, mang bỏ vào thùng… Nếu yêu phố mình, mỗi người cần chí thú làm ăn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đền bù giải phóng mặt bằng, giữ gìn trật tự và xây dựng đô thị văn minh, nghĩa tình. Nhân ngày Đô thị Việt Nam (8/11), xin được gửi muôn ngàn yêu thương cho phố nhỏ!

SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh