Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những đề án trọng tâm được ngành y tế đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đây là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện và can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ sinh ra được phát triển bình thường.
Đoàn giám sát kiểm tra thao tác lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh của cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít. |
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những đề án trọng tâm được ngành y tế đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đây là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện và can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ sinh ra được phát triển bình thường.
Qua sàng lọc, phát hiện nhiều trẻ có nguy cơ cao bị tật
Từ ngày 17/10-7/11, Trung tâm Sàng lọc- Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trực thuộc Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã tổ chức 3 đoàn công tác lần lượt giám sát tại 12 tỉnh, thành ĐBSCL về chất lượng sàng lọc- chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.
Chương trình sàng lọc đang trở thành một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Đây là một nỗ lực của các BV và các đơn vị liên quan để phát hiện sớm các bệnh nguy cơ trong thai kỳ và ở trẻ sơ sinh, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời, cải thiện chất lượng cuộc sống của mẹ và bé.
Theo Trung tâm Sàng lọc- Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ, trong 9 tháng của năm 2023, các địa phương vùng ĐBSCL đã thực hiện sàng lọc cho gần 3.600 thai phụ và hơn 27.400 trẻ sơ sinh. Qua đó, phát hiện gần 300 thai phụ nguy cơ cao và hơn 1.000 trẻ sơ sinh nguy cơ cao. Trong đó, 263 trường hợp tham gia chẩn đoán, xác định 187 trường hợp mắc bệnh.
Theo các chuyên gia đoàn giám sát, một phần quan trọng trong quá trình giám sát là kiểm tra quy trình thực hành chuyên môn liên quan đến công tác lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu tại các đơn vị giám sát. Các quy trình được thực hiện đúng quy định mới đảm bảo chất lượng mẫu xét nghiệm, từ đó đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác.
Tại Vĩnh Long, đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại huyện Mang Thít. Đồng thời, đoàn giám sát khuyến nghị các đơn vị quan tâm sàng lọc thai kỳ, phát hiện kịp thời sản phụ nguy cơ cao; tăng cường vai trò cộng tác viên dân số, tuyên truyền đầy đủ trước sinh và sơ sinh.
Tổng số trẻ sơ sinh được sàng lọc 9 tháng của năm 2023 tại Mang Thít là 608/755 trẻ, tỷ lệ 80,53%, so với cùng kỳ tỷ lệ sàng lọc giảm 2,16%. Trong đó, bao gồm sàng lọc miễn phí và xã hội hóa. Dịp này, Trung tâm Y tế huyện Mang Thít đề nghị với đoàn giám sát tiếp tục mở các lớp tập huấn về tầm soát trước sinh cho các bác sĩ; tiếp tục phối hợp giúp Trung tâm Y tế huyện thực hiện tốt hơn nữa công tác tầm soát trước sinh và sơ sinh.
Nâng cao chất lượng dân số
Theo đánh giá chung, công tác sàng lọc- chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của các tỉnh, thành phố đạt và vượt các chỉ tiêu do Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình giao. Nhiều địa phương chủ động đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác này đến nhiều đối tượng trong cộng đồng. Nhiều nơi chủ động hợp tác với Trung tâm Sàng lọc- Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản TP Cần Thơ đẩy mạnh chương trình sàng lọc xã hội hóa. Đến nay, có 76 đơn vị thực hiện xã hội hóa.
Thời gian qua, BV Phụ sản TP Cần Thơ nỗ lực hỗ trợ các tỉnh trong công tác đào tạo, tập huấn từ tư vấn, truyền thông cho đến hướng dẫn các kỹ thuật sàng lọc- chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, góp phần chuẩn hóa và nâng cao kiến thức, trình độ của các cán bộ trực tiếp thực hiện tại y tế cơ sở. BV mong muốn cùng với ngành y tế các tỉnh tạo cơ hội để mỗi phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh đều được chăm sóc tốt nhất và phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Long, mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật để xử trí kịp thời, tránh sinh ra những đứa trẻ có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm trẻ bị bệnh bẩm sinh để có biện pháp can thiệp.
Từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 10, tỉnh đã sàng lọc trước sinh cho hơn 7.730 phụ nữ mang thai. Trong đó, có 13 thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao. Có hơn 8.084 trẻ được sàng lọc sơ sinh, trong đó, 50 trẻ được miễn phí. Kết quả, trẻ được tầm soát 3 bệnh đạt gần 80%; trẻ được tầm soát 5 bệnh đạt 26,3%. Qua sàng lọc, có 5 trẻ thiếu men G6PD và được can thiệp kịp thời.
Sàng lọc sơ sinh để phát hiện, điều trị sớm bệnh lý di truyền ở trẻ. |
“Để có được kết quả này, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh giờ không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi”- bà Phạm Thị Thuận cho biết.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG