Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hướng đi phù hợp để phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về sản phẩm OCOP, làng nghề theo hướng tích hợp đa giá trị, toàn diện và phát triển bền vững.
Du khách tham quan các công đoạn làm cốm tại lò cốm kẹo Cửu Long. |
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều hướng đi phù hợp để phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về sản phẩm OCOP, làng nghề theo hướng tích hợp đa giá trị, toàn diện và phát triển bền vững.
Phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, đến cuối năm 2022, tỉnh đánh giá xếp hạng thêm 41 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 29 sản phẩm 3 sao; 10 sản phẩm 4 sao; 2 sản phẩm 5 sao. Đến nay có 107 sản phẩm đạt chuẩn 3, 4 sao (trong đó 34 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao).
Để sản phẩm OCOP sớm phát huy thế mạnh, khẳng định giá trị thương hiệu, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ HTX nông nghiệp và các chủ thể có sản phẩm đã được chứng nhận OCOP tham gia sàn giao dịch điện tử xúc tiến thương mại nông sản.
Cung cấp thông tin sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp có nhu cầu liên kết tiêu thụ như: hủ tiếu Sáu Thạnh, cơm sấy Nhật Quỳnh và địa chỉ cung ứng hàng hóa nông sản cho Công ty TNHH Vân Trang đang có nhu cầu tìm mua sản phẩm OCOP. Tổ chức ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa Sở Nông nghiệp-PTNT với chi nhánh bưu chính Viettel Vĩnh Long. Qua đó, đã cung cấp trên 1.870 tấn các mặt hàng nông sản, bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam xoàn, thanh trà... đến với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, sở còn tổ chức đoàn tham gia 6 cuộc trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và các sự kiện do Trung ương và các địa phương tổ chức để các chủ thể OCOP có điều kiện trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.
Đặc biệt, thời gian qua Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp Sở Văn hóa-TT-DL, Sở Công Thương khai trương điểm trưng bày và bán hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp, địa phương của tỉnh được công nhận OCOP thời gian qua tại bến cảng hành khách (Phường 9, TP Vĩnh Long).
Ngoài bến cảng hành khách, tỉnh còn trưng bày, bán các sản phẩm OCOP tại Nhà dừa Coco Home (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) và Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm).
Không những vậy, đối với các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023 cũng tận dụng những kênh thông tin, mạng xã hội như Zalo, Facebook, fanpage để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tiêu biểu như HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước bên cạnh trưng bày sản phẩm của HTX được công nhận 4 sao tại Festival Nông sản Việt Nam- Vĩnh Long 2023, còn thường xuyên đăng tải trên Facebook Nhân Nguyễn; hay như xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm đăng tải sản phẩm OCOP gạo hữu cơ, trà thảo mộc của HTX Sản xuất dịch vụ Tấn Đạt trên fanpage của HTX và trên fanpage Trung Ngãi Quê Tôi...
Thông qua các điểm này, có thể xem là nhịp cầu kết nối chủ thể, doanh nghiệp, nông dân sản xuất hàng hóa với du khách và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Từ đó, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chủ thể sản xuất với cơ quan chức năng và là điểm tham quan, mua sắm sản phẩm chất lượng, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng đối với du khách.
Gắn phát triển du lịch làng nghề
Song song với việc xác định thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP, tỉnh Vĩnh Long hiện cũng có hàng chục làng có nghề và làng nghề truyền thống đã hình thành và phát triển đến nay hàng trăm năm.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tận dụng tiềm năng lợi thế của mình để phát triển làng nghề gắn với khai thác du lịch, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch.
Từ bến cảng hành khách TP Vĩnh Long, du khách đi tàu xuôi dòng sông Cổ Chiên khoảng 15 phút là đến lò cốm kẹo Cửu Long, thuộc ấp Hòa Quý, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ hiện được xem là khá thành công trong việc phát triển du lịch theo hướng sinh thái sông nước miệt vườn gắn kết với làng nghề.
Đến tham quan lò cốm kẹo Cửu Long, du khách được hướng dẫn viên hướng dẫn tham quan nơi sản xuất, giới thiệu về quy trình làm ra những mẻ cốm, kẹo dừa thơm lừng và được mua hàng lưu niệm giá trị về làm quà biếu người thân, bạn bè.
Rời lò cốm kẹo, du khách lên xe đạp rảo quanh đường làng các xã cù lao An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú xem nếp sinh hoạt của người dân nông thôn, sau đó ghé tham quan làng nghề mai vàng thuộc 2 ấp Phước Định 1 và Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ.
Làng nghề được công nhận vào năm 2009, với biệt danh “thủ phủ” mai vàng miền Tây. Đến làng nghề, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng hàng trăm gốc mai cổ thụ và hàng ngàn cây mai lớn nhỏ được các nghệ nhân tạo dáng trông bắt mắt. Nếu có điều kiện đến dịp giáp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được hòa mình vào một “rừng” hoa mai khoe sắc vàng sặc sỡ, chẳng khác gì bức tranh phong cảnh nghệ thuật nơi làng quê.
Nằm tựa bên dòng sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh, Làng nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa được hình thành và phát triển hơn 100 năm tuổi. Ban đầu, làng nghề được khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa từ đầu thế kỷ XX, dần dần người dân trong xóm theo nghề và sản phẩm làm ra được bán khắp vùng.
Từ đây, xã Mỹ Hòa hình thành làng nghề truyền thống làm tàu hủ ky. Nghề làm tàu hủ ky không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế, góp phần làm phong phú và đa dạng cho nghệ thuật ẩm thực địa phương.
Đặc biệt, năm 2022 “Nghề làm tàu hủ ky, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh” được Bộ Văn hóa-TT-DL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự đối với các hộ dân làng nghề mà còn là động lực để phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu văn hóa của địa phương.
Nghề làm tàu hủ ky xã Mỹ Hòa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Vĩnh Long còn có nhiều làng nghề nổi tiếng được đông đảo du khách biết đến như: Làng nghề bánh tráng cù lao Mây (Trà Ôn), làng nghề đan thảm lục bình (Tam Bình), làng nghề trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (Vũng Liêm), làng nghề sản xuất gạch, gốm đỏ (Long Hồ, Mang Thít)...
Các làng nghề ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách bởi những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và sự sáng tạo độc đáo của người làm nghề trong từng sản phẩm. Đây được xem là cơ sở, tài nguyên quý giá để Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển và nâng tầm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với làng nghề truyền thống và phát huy giá trị thương hiệu các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT