Ông Lê Văn Lợi, pháp danh Thích Thiện Tường, Trụ trì chùa Long An (xã Mỹ An), kiêm Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Mang Thít đã vận động phật tử đồng hành cùng với địa phương trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Qua đây, góp sức cùng Nhà nước xây dựng NTM về giao thông, nhà ở dân cư... và giảm nghèo đa chiều.
“Bánh mì chay gieo duyên” được phát miễn phí từ 5 giờ sáng thứ hai hàng tuần, giúp ấm lòng người lao động và các em học sinh. |
Ông Lê Văn Lợi, pháp danh Thích Thiện Tường, Trụ trì chùa Long An (xã Mỹ An), kiêm Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Mang Thít đã vận động phật tử đồng hành cùng với địa phương trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Qua đây, góp sức cùng Nhà nước xây dựng NTM về giao thông, nhà ở dân cư... và giảm nghèo đa chiều.
“Bánh mì chay gieo duyên”, vận động xây đường
5 giờ sáng thứ hai hàng tuần, tủ “bánh mì chay gieo duyên” đặt đối diện cổng chùa Long An, là nơi để công nhân, người lao động nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... đến nhận bánh mì miễn phí.
Gắn bó với mô hình “bánh mì chay gieo duyên” từ khi sư Thích Thiện Tường vận động thực hiện (hơn 4 năm nay), bà Nguyễn Thị Quý (ấp An Hương 2, xã Mỹ An) cho biết: Từ sáng chủ nhật, bà cùng các phật tử đến chùa để phụ sư đi chợ rồi cùng làm các nguyên liệu chay. Sáng thứ hai, bà có mặt 4 giờ sáng để phụ dồn bánh mì, tới 5 giờ thì đẩy tủ bánh mì ra phát đến tay người dân. “Khi phát bánh mì thấy mọi người vui, tôi cảm thấy rất vui trong tâm mình”- bà Quý cười tươi.
Vừa làm nông, vừa phụ việc cho lò gốm, ông Lê Văn Tiếu (ấp An Hưng, xã Mỹ An) là một trong những người lao động thường xuyên tới nhận “bánh mì chay gieo duyên”. Cầm 2 ổ bánh mì trong tay, ông Tiếu vui vẻ nói: “Bánh mì này rất ngon. Có được suất bánh mì ăn sáng thật là ý nghĩa, tôi quý lắm”.
Cùng ngụ ấp An Hưng, bà Đỗ Thị Chẩn cũng là “mối quen” tới nhận bánh mì mỗi tuần. Có khi bà ăn tại chỗ, có lúc bà đem về nhà ăn. “Trước đây khi còn khỏe, tôi thường tới chùa làm công quả, phụ làm “bánh mì chay gieo duyên”. Để có ổ bánh mì ngon cũng phải dày công chuẩn bị và chế biến”- bà Chẩn nói.
Sư Thích Thiện Tường cho biết: Ở đây là vùng quê, người dân đi làm sớm, có cả công nhân và học sinh đi ngang chùa. Chúng tôi thấy một số bà con trong vùng này kinh tế còn khó khăn, nên có ý tưởng xây dựng mô hình “bánh mì chay gieo duyên” vừa giúp người dân được ấm lòng khi đi làm và đỡ một phần chi phí vào buổi sáng.
Với suy nghĩ “thấy việc gì có lợi cho người dân thì làm”, sư Thích Thiện Tường đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nâng cấp tuyến đường thuộc ấp An Hưng (trước đây nhỏ hẹp và xuống cấp).
Qua nhiều đợt vận động, tổng cộng trên 500 triệu đồng, con đường dài 2,2km đã được thi công và trải nhựa toàn tuyến, giúp người dân thuận lợi đi lại, vận chuyển hàng hóa và học sinh đến trường được dễ dàng. Sau đó, sư tiếp tục vận động hỗ trợ xã thực hiện các công trình đèn đường, giúp cho việc lưu thông về đêm được thuận tiện.
Tuyến đường ấp An Hưng được nhựa hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. |
Góp sức vận động
Chúng tôi đến chùa Long An nhân dịp sư Thích Thiện Tường vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 50 phần quà, gồm: bánh và dụng cụ học tập; cùng 5 suất học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học. Cầm phần quà, học bổng trên tay, các em rất vui vì nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ này đã giúp các em tiếp bước đến trường.
Mỗi tháng một lần, chùa còn phối hợp tổ chức sinh hoạt kỹ năng sống cho các em học sinh. Qua đây, giúp các em có thêm kiến thức về xã hội, pháp luật, tạo động lực vươn lên trong học tập, trưởng thành trong suy nghĩ và hiếu kính với ông bà, cha mẹ.
Giai đoạn 2021-2023, chùa đã tặng khoảng 50 suất học bổng và trên 1.000 quyển tập cho các em qua các kỳ sinh hoạt. Nhân dịp khai giảng và tổng kết năm học, chùa tặng học bổng, tập, sách, 20 xe đạp hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Vào dịp lễ Vu Lan, vận động gần 700 phần quà (nhu yếu phẩm và tiền mặt), hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Dịp Tết Trung thu, vận động 2.000 phần quà (lồng đèn, bánh, kẹo) tặng thiếu nhi trong huyện. Bên cạnh, sư còn vận động các phật tử và nhà hảo tâm đóng góp sửa chữa 10 căn nhà giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; phối hợp tổ chức 3 chuyến đi miền Trung trao quà cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt...
Chia sẻ về cách làm “dân vận khéo”, sư Thích Thiện Tường cho rằng: Khi mình đến vận động với sự chân thành, tình cảm và cư xử hòa nhã, thì sẽ mang đến từ trường cảm xúc tốt. Từ đó, sẽ thuyết phục được nhiều người chung tay làm.
Sư Thích Thiện Tường chia sẻ: “Chúng tôi là những người đệ tử của Phật cho nên luôn có tinh thần cống hiến, phụng sự, từ bi cứu khổ. Khi thấy mình làm được việc gì đó thì cố gắng làm, để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn. Từ khi đặt chân về chùa Long An tới nay (13 năm) tôi đều vận động an sinh xã hội. Đó cũng là tâm nguyện của người xuất gia học Phật. Mỗi hoạt động đều đi theo hướng càng ngày càng phát triển hơn và đa diện hơn, góp phần sẻ chia và cống hiến cho quê hương, xã nhà nói riêng và huyện Mang Thít nói chung”.
Chùa Long An được hình thành lâu đời trên mảnh đất thuộc ấp An Hưng (xã Mỹ An). Cuộc sống người dân và phật tử nơi đây còn nhiều khó khăn, trong khi nguồn lực địa phương đầu tư cho kết cấu hạ tầng và hỗ trợ an sinh xã hội có giới hạn. Nhận thức sâu sắc lời Phật dạy cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh về “đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc”, sư Thích Thiện Tường tích cực vận động các nhà hảo tâm, phật tử gần xa san sẻ khó khăn với bà con, phật tử và hỗ trợ địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội. Giai đoạn 2021-2023, đã vận động và phối hợp vận động an sinh xã hội hơn 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh, chùa còn đồng hành cùng địa phương xây dựng cơ sở thờ tự văn minh, cơ sở thờ tự an toàn. Trong sinh hoạt tôn giáo, động viên, nhắc nhở phật tử chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động phật tử sống tốt đời, đẹp đạo. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TẤN TÂN