Khẩn trương gia cố sạt lở, bảo vệ sản xuất, đời sống

07:11, 28/11/2023

Trong năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Long Hồ diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến hết ngày 24/11 trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 điểm sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhằm hạn chế thấp nhất do sạt lở gây ra huyện Long Hồ đang nỗ lực triển khai các công trình thủy lợi.

 

Hiện Long Hồ còn một số công trình có nguy cơ sạt lở cao cần được xử lý khẩn cấp.
Hiện Long Hồ còn một số công trình có nguy cơ sạt lở cao cần được xử lý khẩn cấp.

Trong năm 2023, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Long Hồ diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm đến hết ngày 24/11 trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 điểm sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhằm hạn chế thấp nhất do sạt lở gây ra huyện Long Hồ đang nỗ lực triển khai các công trình thủy lợi.

Trong tháng 7 và tháng 8, trên địa bàn xã Phú Đức (Long Hồ) đã xảy ra 3 điểm sạt lở, sụt lún. Để kịp thời bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện khảo sát, khẩn trương gia cố khắc phục. Sau khi khảo sát huyện đã đầu tư 232 triệu đồng để gia cố khắc phục và đã hoàn thành trong tháng 10.

Ông Trần Văn Tư (ấp An Thạnh, xã Phú Đức) cho biết: “Đường sá được gia cố lại khang trang, người dân rất phấn khởi, giờ thì yên tâm rồi”.

Ông Trần Hoàng Nam- Chủ tịch UBND xã Phú Đức, cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương đã khắc phục được những điểm sạt lở lớn trên địa bàn. Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tiếp tục theo dõi vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng chống sạt lở”.

Năm 2023, huyện Long Hồ triển khai thi công 13 công trình thủy lợi dài 26km với nguồn vốn 6,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, để giúp người dân bảo vệ vườn cây ăn trái, huyện Long Hồ đã xuất quỹ dự phòng, quỹ phòng chống thiên tai hơn 2,6 tỷ đồng để gia cố lại 11/14 điểm sạt lở. Các xã, thị trấn hỗ trợ vật tư, phương tiện, huy động lực lượng tại chỗ tham gia gia cố đê bao. Nhân dân trong huyện cũng chủ động gia cố lại các tuyến đê bao xung yếu để bảo vệ đất sản xuất.

Ông Mai Thành Long (xã An Bình) cho biết: “Sạt lở xảy ra thì rất là lo. Nhưng chính quyền và người dân cùng góp sức để hoàn thành gia cố các điểm sạt lở nên người dân cũng an tâm sản xuất”. Theo ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ, đơn vị cũng đang khảo sát tất cả tuyến đê bao để chủ động trong vụ lúa Đông Xuân tới đặc biệt là con nước rằm tháng 10.

Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, với khả năng, nguồn lực địa phương cũng như từ nguồn huy động sức dân, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cho các phòng chuyên môn, UBND các xã tập trung khắc phục ngay bằng các nguồn lực tại chỗ của địa phương.

Xử lý khẩn cấp đối với các công trình ảnh hưởng đến giao thông, nuôi trồng thủy sản và nhất là liên quan đến cuộc sống của người dân. Hiện nay, Long Hồ còn lại một số công trình có nguy cơ cao cần phải xử lý khẩn cấp.

Trong đó, đối với những công trình có mức đầu tư lớn thì huyện cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ, gia cố các công trình kiên cố, đầu tư có tính chất lâu dài, vừa đảm bảo phòng tránh sạt lở cũng như bảo vệ đời sống người dân.

Ngoài sự khẩn trương của chính quyền các cấp, thời gian qua, người dân cũng đã ý thức rõ nguy cơ sạt lở cũng như những tác động tiêu cực của loại hình thiên tai này đối với sản xuất và đời sống nên người dân cũng tích cực góp tay cùng địa phương gia cố bờ bao, bờ vùng. Sự chủ động trong công tác ứng phó sẽ giúp giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở gây ra.

Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh