Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Vì lợi ích của thế hệ mai sau

06:11, 07/11/2023

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, TS.BS Nguyễn Tri Thứ- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Hồ Chí Minh), đề xuất ban hành quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân (KSKTHN). Đề xuất này được đánh giá là cần thiết nhằm ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý nguy hiểm.

 

 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong các hình thức sàng lọc trước sinh để nâng cao chất lượng dân số.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một trong các hình thức sàng lọc trước sinh để nâng cao chất lượng dân số.

Tại phiên thảo luận ở Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, TS.BS Nguyễn Tri Thứ- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Hồ Chí Minh), đề xuất ban hành quy định bắt buộc người dân khám sức khỏe tiền hôn nhân (KSKTHN). Đề xuất này được đánh giá là cần thiết nhằm ngăn ngừa nhiều loại bệnh lý nguy hiểm.

Đại biểu cho rằng, KSKTHN là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai hay bệnh di truyền, bệnh tim. “KSKTHN thể hiện trách nhiệm với người vợ, người chồng tương lai cũng như thế hệ sau”- ông nói.

Đại biểu đề xuất KSKTHN bắt buộc. Ông cho biết từng chứng kiến nhiều trường hợp phụ nữ đến bệnh viện sinh con mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Những người này khi chuyển dạ bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót khi phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Thực tế các câu chuyện đau lòng này có thể tránh được nếu KSKTHN.

Các văn bản pháp lý hiện nay như Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hay các nghị định đều không quy định bắt buộc KSKTHN. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chức năng quy định công dân trước khi đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe và có chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Dù Nhà nước chưa quy định bắt buộc nhưng từ nhiều năm qua, các chuyên gia khuyến nghị thanh niên KSKTHN 6 tháng trước khi cưới. Đây là thời gian trung bình để điều trị một số bệnh nếu có.

Theo các chuyên gia y tế, KSKTHN khác với khám tổng quát, cũng không phải khám sức khỏe sinh sản hay hậu sản. Bác sĩ sẽ tập trung khám chức năng cơ bản, sức khỏe tâm thần, tình dục, sinh sản. Sức khỏe tình dục gồm rối loạn xuất tinh, dị dạng cơ quan sinh dục mà có thể bản thân người sắp kết hôn không biết.

Sức khỏe sinh sản gồm khả năng sinh sản, chất lượng tinh trùng hoặc trứng của ba mẹ tương lai. Các bệnh lý di truyền học và gien cũng cần được xét nghiệm để phát hiện sớm nếu cặp đôi kết hôn với nhau thì sinh con có mang bệnh hay không. Có gia đình ba và mẹ đều mang gien lặn nhưng con sẽ mang gien trội, cần khám sức khỏe mới biết được.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần khám các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, C, giang mai, HIV, bởi không loại trừ trường hợp có người bị nhiễm bệnh nhưng không cho bạn đời biết, nếu kết hôn sẽ gây hệ quả cho chính họ và thế hệ mai sau.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Long, KSKTHN là một giải pháp cần thiết giúp cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn có kiến thức, tâm lý, sức khỏe sẵn sàng cho khởi đầu cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn. Qua đó, giúp các cặp vợ chồng phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy trong cuộc sống và tương lai thế hệ sau. Đây là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bài, ảnh: MAI ANH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh