Canh cánh nỗi lo sạt lở

06:11, 29/11/2023

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt dự án đầu tư công khẩn cấp sửa chữa kè sông Cổ Chiên- thuộc đoạn Phường 1, TP Vĩnh Long. Công trình bao gồm sửa chữa tường kè bị hư hỏng, hoàn trả hành lang kè và xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 593,2 tỷ đồng, nhằm chống xói lở lòng sông đang diễn ra phức tạp tại khu vực này.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa phê duyệt dự án đầu tư công khẩn cấp sửa chữa kè sông Cổ Chiên- thuộc đoạn Phường 1, TP Vĩnh Long. Công trình bao gồm sửa chữa tường kè bị hư hỏng, hoàn trả hành lang kè và xây dựng mới tuyến kè chống sạt lở bờ sông. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 593,2 tỷ đồng, nhằm chống xói lở lòng sông đang diễn ra phức tạp tại khu vực này.

Không riêng Vĩnh Long, mà những năm qua, sạt lở là nỗi lo canh cánh của người dân ĐBSCL. Biến đổi khí hậu tác động tiềm tàng đến hệ thống đô thị khu vực, đặc biệt là vấn đề sạt lở, sụt lún khiến mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản của người dân, đặc biệt ở những khu vực trũng thấp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng ngập úng, ô nhiễm hệ thống nước cấp, gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống thu gom rác thải, nước thải bị gián đoạn.

Theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Việt Nam xếp hạng 23/30 quốc gia chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, trong đó, ĐBSCL được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển sẽ dâng lên từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số khu vực chịu ảnh hưởng. 13 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập, trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Riêng TP Cần Thơ, bên cạnh ảnh hưởng ngập, quá trình đô thị hóa diễn ra tương đối mạnh còn làm gia tăng hiện tượng sụt lún mặt đất và công trình ở những khu vực có mật độ xây dựng cao.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc khai thác cát lòng sông quá mức. Tại nhiều tỉnh, thành, hàng trăm hộ dân phải di dời nhà, hàng ngàn hộ khác nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm. Đời sống người dân bị đảo lộn, các địa phương phải chi khoản kinh phí lớn để khắc phục.

Trước những thách thức sống còn, đòi hỏi phải có những quyết sách mang tính cấp bách, bền vững để cứu ĐBSCL.

N.HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh