Gia tăng người trẻ mắc bệnh lý tim mạch

06:11, 07/11/2023

Tại các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, thời gian gần đây, người trẻ đến khám các bệnh lý về tim mạch ngày càng nhiều như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim,… để lại nhiều gánh nặng bệnh tật.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh khám, tầm soát bệnh tim mạch cho người dân tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP Hồ Chí Minh khám, tầm soát bệnh tim mạch cho người dân tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Tại các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, thời gian gần đây, người trẻ đến khám các bệnh lý về tim mạch ngày càng nhiều như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim,… để lại nhiều gánh nặng bệnh tật.

Bệnh tim mạch có thể phòng ngừa chủ động

Ngày càng có nhiều người trẻ trong nhóm 30-40 tuổi mắc các bệnh tim mạch. Có những người chỉ khoảng 30 tuổi cũng xảy ra tim ngừng đập đột ngột và nguy cơ đột tử rất cao. Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng với sức khỏe tim mạch của mình.

Thời gian qua, những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh cũng góp phần giúp can thiệp và xử trí phần lớn các vấn đề tim mạch nếu được phát hiện sớm. Việc thay đổi lối sống, sinh hoạt hợp lý, giảm stress và giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh (đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì…) là rất quan trọng để giữ cho trái tim khỏe.

Theo BS.CK2 Huỳnh Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tim mạch- Lão khoa BVĐK tỉnh Vĩnh Long, người mắc các bệnh mạn tính như hen phế quản, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu... cần nhớ uống thuốc đều đặn, đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Do là những bệnh mạn tính, nên việc dùng thuốc là lâu dài. Bệnh nhân động mạch vành nên đi khám theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi, để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

“Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch cần tránh ăn mặn, vì có thể dẫn tới tăng huyết áp. Không hút thuốc lá vì đây là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác. Ngoài ra, nên ăn ít đồ ăn giàu mỡ, nhiều cholesterol; nên ăn đồ luộc, tránh đồ chiên xào và nên ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ nước; tập thể dục thường xuyên”- BS Huỳnh Kim Phương khuyến cáo.

Bệnh tim mạch- “gánh nặng” của ngành y tế

Tại Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 vào ngày 3/11, các chuyên gia tim mạch cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này trở thành “gánh nặng y tế” là người dân chưa chủ động phòng chống bệnh tim mạch. Đơn cử, nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh, không ý thức điều chỉnh lối sống ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Minh- Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống gây gia tăng bệnh lý tim mạch (như huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rượu bia…), vấn đề đô thị hóa trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay, các yếu tố môi trường như bụi, tiếng ồn, stress hay hậu COVID-19 cũng là những yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng sức khỏe tim mạch của người dân.

Bệnh lý tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song, trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên ngày càng tăng. Người trẻ thường cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Cùng đó khi tuổi thọ con người bình quân tăng lên đồng nghĩa với số người cao tuổi cũng tăng lên. Khi đó, các bệnh lý tim mạch (nhất là các bệnh lý xơ vữa) cũng gia tăng, đó là thách thức cho ngành tim mạch Việt Nam.

Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng- Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, các bệnh lý tim mạch còn liên quan các yếu tố nguy cơ bao gồm gia đình, chủng tộc, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường.

Thống kê của Viện Tim mạch qua các năm từ 2000-2015, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và đã chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có 1 người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

Cuối cùng, các yếu tố nguy cơ liên quan tới lối sống như lười vận động, hút thuốc lá, uống rượu quá mức, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, căng thẳng (stress),... cũng gia tăng bệnh tim mạch.

Để kiểm soát bệnh tim mạch, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, nhất là bệnh lý tim mạch. Đồng thời thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương quy hoạch một mạng lưới chuyên ngành tim mạch phát triển đồng bộ.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh