Ngành giáo dục đang đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được trong 10 năm qua, đồng thời có điều chỉnh để đạt mục tiêu phát triển con người.
Ngành giáo dục đang đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được trong 10 năm qua, đồng thời có điều chỉnh để đạt mục tiêu phát triển con người.
Năm 2023 đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đồng thời là thời điểm thực hiện đánh giá việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (năm 2018) phục vụ công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học, năm thứ 3 với THCS và năm thứ 2 với THPT. Với nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, đây sẽ là năm học bứt phá của đổi mới giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, năm học 2023 - 2024 phải thực hiện một khối công việc lớn, yêu cầu đổi mới đi vào chiều sâu, đến từng môn học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: tình trạng thiếu giáo viên; thiếu trường lớp, quá tải trường lớp; bạo lực học đường…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Những người trong cuộc lên tiếng
Trải qua những năm đầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, những người trong cuộc đều đã lên tiếng.
Cô L.T.A. Nguyệt hiện là giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS tại quận Ba Đình, Hà Nội, với 16 năm đứng trên bục giảng, đánh giá thời điểm này vẫn là giai đoạn giao thoa sử dụng sách giáo khoa mới và sách cũ cách đây 20 năm.
Do vậy, những thay đổi đầu tiên và rõ ràng nhất mà các giáo viên cảm nhận được về chương trình mới là phương pháp dạy học và tiếp cận với học sinh.
“Trước đây, giáo viên là trung tâm của lớp học thì bây giờ chuyển sang học sinh là trung tâm. Thay vì phương pháp dạy thường thấy trước kia là giáo viên phát câu hỏi, học sinh trả lời theo định hướng của giáo viên, thì giờ đây phương pháp dạy và học là cho học sinh chủ động tiếp cận kiến thức trước.
Trong quá trình tiếp nhận có gì vướng mắc, học sinh sẽ đặt câu hỏi và giáo viên trợ giúp để tháo gỡ”, cô Nguyệt nói.
Với phương pháp mới, sách giáo khoa mới, gần như giáo viên đang tự tìm đường cho chính mình. Thay vì việc bài giảng được định hướng rõ ràng, đi theo một khuôn khổ giống như giáo án mẫu như trước đây, thì giờ học giờ đây phát sinh rất nhiều tình huống, buộc giáo viên phải có bản lĩnh, phải tự nâng cao kiến thức và chuyên môn để có thể xử lý được.
Có thể coi là những người tiên phong, cô Nguyệt nằm trong nhóm giáo viên dạy chương trình mới đầu tiên các lớp 6,7,8 và chỉ có lớp 9 là học chương trình cũ: “3 năm tôi giảng dạy theo chương trình mới, SGK mới, thực sự đến bản thân mình còn cảm thấy loay hoay nữa chứ đừng nói học sinh”.
Theo cô Nguyệt, hạn chế lớn nhất với các giáo viên có lẽ là năng lực. Ra trường cùng bằng giỏi và đã 16 năm đứng lớp tại một ngôi trường trong top đầu tại Hà Nội, với năng lực học sinh đầu vào rất tốt, cô Nguyệt thấy rằng, để bài giảng có hiệu quả cao là rất khó, vì không phải giáo viên nào cũng đủ năng lực làm được điều này.
“Hạn chế về năng lực khiến cho giáo viên bây giờ rất ngại đổi mới. Thậm chí có nhiều giáo viên tôi biết, phương pháp đổi mới như vậy thôi, nhưng thực tế tiết học diễn ra trên một hình thức bó hẹp, khiến cho các môn học, giao viên không có sự đồng nhất. Học sinh cũng cảm nhận được điều đó rất rõ”, cô Nguyệt chia sẻ.
Với môn Ngữ văn, cô Nguyệt thẳng thắn nêu quan điểm không đánh giá cao SGK của chương trình mới. Nhiều ngữ liệu “chán”, không có sáng tạo nhưng vẫn yêu cầu giáo việc hướng dẫn học sinh phân tích.
Thực tế, vấn đề ngữ liệu “chán”, cùng với việc xuất hiện nhiều lỗi về mặt chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh… mới đây cũng gây ra nhiều ý kiến tranh luận.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, nhưng vẫn là công cụ tài liệu học tập quan trọng nhất với cả giáo viên và học sinh. Vì thế sách giáo khoa đòi hỏi phải có sự chuẩn mực về chất lượng, nhất là những văn bản đưa vào sách phải được lựa chọn kỹ càng
. Việc chọn ngữ liệu để đưa vào sách giáo khoa dùng cho một số lượng học sinh rất rộng lớn, dùng trong một thời gian dài, cần đảm bảo những tiêu chuẩn có tính phổ quát về chân, thiện, mỹ của văn chương.
Phó Giáo sư Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn cho rằng, việc lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa, nhất là từ cấp trung học cơ sở trở đi thì phải rất cẩn trọng.
Lý do là cùng với văn bản đúng thể loại, chất lượng văn bản hay, hấp dẫn cả nội dung, hình thức nghệ thuật, câu chữ, thì vị trí của tác giả phải phản ánh được thành tựu văn học của các thời kỳ.
Áp lực lớn với người học hơn hay người dạy hơn?
Trả lời câu hỏi này, cô Nguyệt cho là “cả hai”. Giáo viên thì đang loay hoay với một phương pháp mới, cách ra đề mới. Còn học sinh cũng cảm thấy rấp áp lực vì phải học khối lượng lớn khiến thức. Trước kỳ thi, học sinh phải đi tìm rất nhiều ngữ liệu để luyện, để biết đâu sẽ may mắn “trúng tủ”.
“Trước đây, học sinh học bài A thì sẽ kiểm tra bài A với các dạng câu hỏi khác nhau. Còn chương trình mới yêu cầu học bài A, nhưng lại kiểm tra bài B, bài C… với nội dung gần tương đồng với bài A, khiến cho học sinh phải loay hoay.
Đồng thời, khiến học sinh học sinh cảm thấy bài A không quan trọng, nên việc tập trung trên lớp giảm đi rất nhiều so với trước kia. Sau đó, các em lại hoang mang không hiểu đề thi sẽ như thế nào”, cô Nguyệt đánh giá.
Theo quan sát của cô Nguyệt, những học sinh cá tính, học lực tốt và nắm chắc kiến thức rất thích phương pháp học mới, cách ra đề mới vì các em thể hiện được khả năng sáng tạo và cái tôi rất rõ.
Nữ sinh Bảo Phương đang học lớp 8, là lứa học sinh đầu tiên trải nghiệm bộ SGK mới, thích thú với sách mới vì có những thông tin, số liệu thống kê sẽ được cập nhật mới nhất, sát với thực tế mà ở những sách cũ không có.
Tuy nhiên, cấu trúc các bộ sách khác nhau cũng khiến Phương và các bạn loay hoay trong quá trình học. “Năm ngoái, em học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, đến năm nay, lại học bộ sách Chân trời sáng tạo, em thấy kiến thức không liền mạch.
Năm ngoái có những kiến thức học rồi, lên lớp 8 những thông tin ấy lại có trong bộ sách Chân trời sáng tạo. Mỗi sách có những cấu trúc khác nhau, có kiến thức bị lặp lại và chưa thực sự liền mạch, từ đó khó khăn cho học sinh khi tiếp thu kiến thức”, Phương chia sẻ.
Được đánh giá là học sinh có học lực tốt, Phương vẫn tham gia học thêm nhiều môn học. Nhưng theo nữ sinh này, các bạn của em nếu không có điều kiện học thêm hay khả năng tiếp thu bài không tốt sẽ gặp khó khăn.
“Em học chuyên toán, nhưng trong sách chương 1 và 2 không liên quan đến nhau. Những định lý, tiên đề học sau nhưng bài tập ra trước đó lại cần những tiên đề đó.
Có những bạn không học chuyên, không được tiếp cận với những chuyên đề, kiến thức mở rộng thì buộc phải giải toán theo con đường vòng, khó khăn hơn, nhiều bước giải hơn”, Phương cho biết thêm.
Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới mới đi được nửa chặng đường. Đến năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học chương trình sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và chương trình mới sẽ áp dụng đồng bộ ở các bậc học.
Do vậy, nửa chặng đường còn lại vẫn sẽ còn những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, đặc biệt là với những “người trong cuộc”. Đặc biệt, áp lực sẽ ngày càng đặt nặng lên những giáo viên vẫn đang bám trụ với nghề.
Các thầy cô chia sẻ rằng, động lực lớn nhất và duy nhất với họ lúc này chính là các em học sinh. Các giáo viên mong muốn, trong thời gian tới, sẽ có thêm những khóa đào tạo và chương trình phát triển chuyên môn để giáo viên có thể nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình.
Đồng thời, môi trường làm việc và các chế độ phúc lợi được đảm bảo tốt hơn, vừa để giảm áp lực vừa động lực cho các thầy cô.
Với chương trình học, cần đánh giá lại và điều chỉnh để đảm bảo rằng nó phù hợp với năng lực và khả năng tiếp thu của học sinh.
Các em học sinh cần có thêm những dịch vụ hỗ trợ học tập, tư vấn tâm lý để giúp các em vượt qua áp lực học tập. Từ đó, tạo ra môi trường giáo dục thoải mái và khuyến khích sự đa dạng trong phong cách học tập của học sinh.
Đặc biệt, một giải pháp quan trọng được đề xuất là đưa các công cụ số vào nhà trường, để cung cấp nguồn tài nguyên trực tuyến, khóa học trực tuyến và công cụ học tương tác giúp tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, là xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và cộng đồng để tạo ra một môi trường học tập tích cực và hỗ trợ kịp thời từ vấn đề tâm lý, đến giải quyết kịp thời những mâu thuẫn có thể dẫn tới bạo lực học đường…
Trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là vinh dự và các thầy cô giáo đều thể hiện quyết tâm để vượt qua.
Theo tư lệnh ngành giáo dục, các giáo viên cũng bày tỏ tâm tư trước các thách thức lớn, các vấn đề đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn; giáo viên trẻ mới vào nghề gặp khó khăn về mức lương, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất rất hạn chế.
“Chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, ở thời điểm này việc thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng thì đã được 10 năm và chúng ta đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện và có những đề xuất trong những quan điểm chỉ đạo của T.Ư sắp tới.
Chúng ta phải đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được trong 10 năm qua, đồng thời có điều chỉnh để đạt đến mục tiêu phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong chặng đường mà đất nước phát triển, hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng nói.
Theo Nhóm PV/VOV.VN