Chủ động sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục

08:11, 15/11/2023

Với chủ đề, "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục (GD) đào tạo"; năm học 2022-2023, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD tỉnh đã cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD toàn diện.
 

Vĩnh Long duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Vĩnh Long duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Với chủ đề, “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục (GD) đào tạo”; năm học 2022-2023, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD tỉnh đã cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD toàn diện.
 
Nâng chất lượng toàn diện, mũi nhọn
 
Để nâng cao chất lượng GD, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo chương trình GD phổ thông năm 2018, Sở GD-ĐT đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác phối hợp với UBND các huyện, thị được thực hiện chặt chẽ; rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng chuẩn theo lộ trình nhằm đảm bảo trình độ đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
 
Qua đó, đội ngũ nhà giáo cũng đã chủ động học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD. 
 
Bà Trương Thanh Nhuận- Giám đốc Sở GD-ĐT, chia sẻ: “Với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành đã đạt được những kết quả nổi bật: hệ thống trường, lớp mầm non, phổ thông tiếp tục được đầu tư, phát triển; chất lượng GD ở các cấp học duy trì ổn định và được nâng lên; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tiếp tục được quan tâm sắp xếp, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu”.
 
Tạo nền tảng đáp ứng yêu cầu đổi mới theo chương trình, bên cạnh quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ, Sở GD-ĐT còn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị; rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng chuẩn theo lộ trình nhằm đảm bảo trình độ đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. 
 
Là một trường THCS có nhiều khó khăn, tập thể sư phạm Trường THCS Tân An Hội (Mang Thít), luôn cố gắng, vượt khó để đạt được chuẩn quốc gia, từng bước nâng chất lượng giáo toàn diện tiến tới GD mũi nhọn.
 
Thầy Nguyễn Tấn Lập- Hiệu trưởng Trường THCS Tân An Hội, nói: “Đạt chuẩn quốc gia là kết quả phấn đấu không chùn bước của tập thể luôn đoàn kết, học tập đáp ứng chương trình GD mới, tranh thủ mọi nguồn đóng góp từ xã hội hóa GD, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đầu tư của các cấp lãnh đạo từ huyện, tỉnh…”.
 
Đạt chuẩn quốc gia là nền tảng, điều kiện về cơ sở vật chất cho việc dạy và học; giáo viên phấn khởi dạy học hay hơn, chất lượng hơn. Điển hình, tỷ lệ học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ngày một nâng lên, Trường THCS Tân An Hội năm học qua còn nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.
Năm học 2022-2023, GD Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Đội ngũ nhà giáo cũng đã tự tham gia đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng GD, hiện nay toàn tỉnh có 95% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trình độ theo quy định, trong đó trên chuẩn gần 24%, vượt chỉ tiêu 1,93%. Vĩnh Long đạt chỉ tiêu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi; 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập GD THCS mức độ 3; Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học mức độ 3; THCS mức độ 2 và xóa mù chữ độ 2. Cũng trong năm học này, tỉnh công nhận mới 16 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 51,97% cơ sở GD mầm non, phổ thông được đánh giá ngoài (vượt 40,97% chỉ tiêu).

Tiến tới thích nghi chương trình mới

 
Nhìn lại quá khứ khi đất nước mới thống nhất, trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn; thầy cô không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy mà còn bám trường, bám lớp, vượt qua mọi khó khăn của bản thân để cống hiến cho nghề, yêu thương học sinh bằng những việc làm thiết thực. 
 
Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, GD đã đổi mới một cách toàn diện, hướng vào người học, học trò trở thành trung tâm,… vai trò của nhà giáo ngày càng nặng nề hơn. Giáo viên phải luôn tự hoàn thiện mình để thích nghi với sự thay đổi; phải tự học thêm nhiều nội dung chuyên sâu để làm nền tảng vững chắc trong việc định hướng kiến thức cho học sinh và xử lý nhiều tình huống trong dạy học.
 
Cô Phan Thúy Huỳnh- giáo viên Trường THCS Tân An Hội (Mang Thít), chia sẻ: “Là giáo viên Lịch sử, tôi đang vừa dạy vừa học nghiệp vụ để dạy tổ hợp Sử- Địa nhằm đáp ứng chương trình GD phổ thông 2018. Bên cạnh đó, tôi còn ứng dụng công nghệ để có những tiết dạy hay hơn, hấp dẫn hơn”.
Giáo viên chủ động, sáng tạo cho những tiết dạy hấp dẫn, thu hút học sinh.
Giáo viên chủ động, sáng tạo cho những tiết dạy hấp dẫn, thu hút học sinh.
 
Đến dự và phát biểu tại buổi họp mặt ngày Nhà giáo Việt Nam mới đây tại Sở GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ghi nhận động viên và lưu ý lãnh đạo ngành GD từ cấp sở đến phòng, đến cấp trường phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo, trong thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hơn nữa chất lượng GD toàn diện của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình GD phổ thông 2018.
 
Tiếp tục quan tâm đến đội ngũ, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và viên chức phục vụ giảng dạy; động viên tinh thần và tạo mọi điều kiện để thầy cô làm việc và gắn bó với nghề.
Năm học 2023-2024, ngành GD tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, trọng tâm là đổi mới chương trình GD và đảm bảo các điều kiện để triển khai chương trình được hiệu quả.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh