Chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là 1 trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần thu nhập của người lao động (LĐ) nếu không may bị TNLĐ, BNN.
|
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chính sách an sinh xã hội thiết thực, hữu ích, là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động. |
Chế độ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là 1 trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần thu nhập của người lao động (LĐ) nếu không may bị TNLĐ, BNN.
Theo đó, người sử dụng LĐ có trách nhiệm đóng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN. Riêng, đối với một số trường hợp đặc biệt, đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì đóng 0,3%.
Theo thống kê, trong năm 2022 toàn ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng và một lần cho trên 8.100 người LĐ và gần 1.700 người LĐ trong 3 tháng đầu năm 2023.
Riêng, đối với BHXH tỉnh Vĩnh Long, tính đến hết tháng 9/2023 ngành đã giải quyết mới 9 trường hợp hưởng chế độ TNLĐ 1 lần và 1 trường hợp hàng tháng. “Ngoài việc chi trả chế độ cho người LĐ bị TNLĐ, BNN, Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN còn được sử dụng để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN và hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN”- ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết.
Anh Nguyễn Huy Phong (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) bị TNLĐ vào năm 2007, suy giảm khả năng LĐ 50%.
Với mức suy giảm này, những năm qua anh chỉ có thể ở nhà phụ giúp những công việc nhẹ nhàng trong gia đình, số tiền 1.005.000đ nhận được từ chế độ trợ cấp TNLĐ hàng tháng là nguồn thu duy nhất của anh, giúp anh san sẻ sinh hoạt phí hàng ngày. “Số tiền này đã hỗ trợ tôi và gia đình trong sinh hoạt, thuốc men điều trị. Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH”- anh Phong tâm sự.
Người LĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ BNN khi có đủ các điều kiện gồm: Bị BNN thuộc danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định; suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do bị bệnh. Người LĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN thuộc danh mục BNN do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định mà phát hiện bị BNN trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.
|
Người sử dụng LĐ tuân thủ tốt quy định về việc tham gia BHYT, BHXH trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN thì quyền lợi của người LĐ mới được đảm bảo. Do đó, trong thời gian qua ngoài công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngành chức năng cũng chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người LĐ và người sử dụng LĐ về ý nghĩa của các loại hình bảo hiểm.
Vì thế, việc đóng các loại hình bảo hiểm cho người LĐ được người sử dụng LĐ trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ. Tính đến hết tháng 9/2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 2.126 đơn vị tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho 100.740 người LĐ.
Tại Công ty TNHH MTV Khang Thịnh, việc tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật, không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với người LĐ mà còn là điều kiện cần để ký kết hợp đồng với nhiều đối tác, đặc biệt là những đối tác nước ngoài.
Được đóng đầy đủ các chế độ bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN là một trong những lý do để chị Lê Hồng Tươi gắn bó với Công ty TNHH MTV Khang Thịnh hơn 12 năm qua.
Hiện nay, người LĐ có thể dễ dàng theo dõi việc đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN và các chế độ bảo hiểm khác của người sử dụng LĐ bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, tiện lợi nhất là ứng dụng BHXH số VssID, có thể cài đặt trên thiết bị di động.
Trong thời gian qua, khi phát triển ứng dụng này, nhiều người LĐ kịp thời thông báo cho ngành chức năng về việc chậm đóng của người sử dụng LĐ, hạn chế trường hợp gián đoạn thời gian đóng, nợ đóng, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Bảo hiểm TNLĐ, BNN là chính sách an sinh xã hội thiết thực, hữu ích, là một trong những quyền lợi cơ bản của người LĐ. Vì thế, trong quá trình làm việc người LĐ cũng nên chú ý theo dõi việc đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN của người sử dụng LĐ để quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng nếu không may TNLĐ, BNN xảy ra.
Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, người LĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện gồm:
Bị TNLĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật LĐ và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh. Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng LĐ hoặc người được người sử dụng LĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý LĐ; trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý; suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do bị tai nạn.
|
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG