Xây dựng "hệ miễn dịch số" để bảo vệ trẻ em trước các hiểm họa từ mạng xã hội

02:10, 11/10/2023

Mạng xã hội ngày càng nhiều "cạm bẫy" trong khi trẻ em lại thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình. Điều này dẫn đến rủi ro trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng ngày càng gia tăng.

Mạng xã hội ngày càng nhiều “cạm bẫy” trong khi trẻ em lại thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình. Điều này dẫn đến rủi ro trẻ có thể gặp phải trên môi trường mạng ngày càng gia tăng.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Một trong số những yêu cầu mà đoàn kiểm tra liên ngành đề ra là mạng xã hội này phải triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em theo quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó, đặc biệt lưu ý triển khai xác thực thông tin tài khoản để phát hiện trường hợp trẻ em khai không đúng độ tuổi sử dụng TikTok, xóa các tài khoản trẻ em dưới 13 tuổi. Giới hạn thời gian truy cập, sử dụng TikTok với người dưới 18 tuổi, không cho phép trẻ em kiếm tiền qua TikTok…

Không gian mạng, nhất là mạng xã hội ngày càng nhiều “cạm bẫy” trong khi trẻ em lại thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình
Không gian mạng, nhất là mạng xã hội ngày càng nhiều “cạm bẫy” trong khi trẻ em lại thiếu các kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình

Mạng xã hội – không gian ảo, tác động thực

Chỉ trong vài năm gần đây, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok, YouTube… đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc mang đến tác động không nhỏ đến cuộc sống thực.

Theo các chuyên gia, mặc dù mạng xã hội nào cũng có quy định trẻ em dưới 13 tuổi không được lập tài khoản trên các nền tảng này, song tình trạng trẻ em “khai gian” tuổi, thậm chí ngay người bảo hộ của các em là bố, mẹ tự “khai gian” tuổi để lập tài khoản cho các em không phải hiếm.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí và phát triển bền vững MSD cho biết, người trẻ Việt dùng mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ, với gần như mọi hoạt động, hành vi ứng xử hay thông tin đều được người dùng đăng tải lên đó.

Có thể nói, hiện nay, thay vì hỏi số điện thoại của nhau, chúng ta sẽ nhận được câu hỏi “Zalo/Facebook của bạn là gì?”

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí và phát triển bền vững
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lí và phát triển bền vững

“Mạng xã hội, Internet là những lĩnh vực khá mới và phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Đây là nơi mở rộng tri thức rất tốt, song cũng kèm theo không ít nguy cơ.

Bản thân nhiều người lớn nhiều khi còn chưa đủ kỹ năng để xử lý các thông tin, tình huống phát sinh trên mạng xã hội. Các bạn trẻ non nớt, chưa đủ kỹ năng sống thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa”, bà Linh bày tỏ.

Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số. Trong đó, khoảng 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày.

Thiết bị điện tử và mạng Internet cũng là môi trường thuận lợi cho tội phạm mạng và các nội dung xấu gây hại đến trẻ em.

Số liệu thống kê từ Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cũng từng chỉ ra, có tới 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet (chủ yếu liên quan đến mạng xã hội) và có hơn 70% trẻ em đã từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet.

Đủ loại cạm bẫy từ thế giới ảo

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, việc thiếu các kiến thức, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ an toàn trên không gian số, mạng đang là một hạn chế, thách thức.

“Những thách thức trẻ em đang phải đối mặt ngày càng nhiều trên môi trường mạng chính là cạm bẫy lừa đảo; thông tin sai trái, độc hại; bị phát tán thông tin riêng tư, cá nhân; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, quấy rối, dụ dỗ, tống tiền; bị lôi kéo, ép buộc tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đây là những mối nguy cơ, đe doạ lớn đối với trẻ em”, ông Khoa cho hay.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng cho rằng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay smartTV đang được trẻ em Việt Nam sử dụng với tần suất ngày càng nhiều hơn.

Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12-13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ mỗi ngày.

Từ những con số trên cho thấy, việc trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian trên Internet, bên cạnh những mặt tích cực thì sự “quá gắn bó” Internet cũng đang mang lại nhiều hệ lụy cho các em.

Khoảng 2/3 trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày
Khoảng 2/3 trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet để học tập, giải trí, liên lạc với người thân và sinh hoạt hằng ngày

Ông Đỗ Dương Hiển, phụ trách dự án Trẻ em, Tổ chức Childfund Việt Nam thì nhìn nhận, độ tuổi sử dụng Internet và mạng xã hội của trẻ em Việt Nam đang càng ngày càng nhỏ hơn.

Nhiều cha mẹ đang dùng mạng xã hội, clip YouTube như 1 phần thưởng dành cho con. Đây cũng là thách thức với các tổ chức làm công tác bảo vệ trẻ em.

“Những rủi ro trên mạng luôn rình rập, tấn công bất ngờ, khó biết trước. Phần thiệt sẽ thuộc về trẻ em, vì trẻ em vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ cũng như đánh giá được các hậu quả từ các nguy hại tạo ra, đặc biệt là các vấn đề về xâm hại tình dục hay việc mua bán người.

Điều đáng báo động chính là trẻ em đang thiếu “vành đai mạng bảo vệ”, thiếu sức đề kháng trước các mối nguy hại bất ngờ có thể xảy ra trên không gian mạng”, ông Hiển bày tỏ.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ em

Theo giới chuyên gia, để tạo môi trường Internet an toàn cho trẻ em, cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ trẻ em và gia đình.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho rằng, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để triển khai đúng các yêu cầu của Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025”.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì môi trường mạng, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, ứng dụng công nghệ số Việt Nam cho trẻ em học tập, kết nối, giao lưu, giải trí trên môi trường không gian mạng sáng tạo, lành mạnh; thường xuyên nâng cao các kiến thức, kỹ năng phù hợp cho từng lứa tuổi để trẻ em có “hệ miễn dịch số” tự nhận thức, tăng sức đề kháng trước các rủi ro, nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Bộ TT&TT cũng khẳng định trong thời gian tới các bộ ngành sẽ ngày càng chặt chẽ hơn với việc quản lý thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng xuyên biên giới.

Theo Vân Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh