Những vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra gần đây đã để lại sự quan tâm, lo lắng như hồi chuông cảnh tỉnh mọi người nâng cao ý thức PCCC, đặc biệt ở nơi đông người,... Để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho sinh viên, các trường ĐH đã phối hợp cơ quan chức năng có nhiều hình thức thu hút.
Sinh viên trải nghiệm thoát hiểm từ tầng cao bằng dây. |
Những vụ hỏa hoạn đáng tiếc xảy ra gần đây đã để lại sự quan tâm, lo lắng như hồi chuông cảnh tỉnh mọi người nâng cao ý thức PCCC, đặc biệt ở nơi đông người,... Để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho sinh viên, các trường ĐH đã phối hợp cơ quan chức năng có nhiều hình thức thu hút.
Cùng diễn tập phòng cháy chữa cháy
Trong buổi hướng dẫn các kỹ năng PCCC cho sinh viên Trường ĐH Cửu Long vừa qua, Trung tá Đỗ Thành Khương- Đội trưởng Đội kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Vĩnh Long tuyên truyền, hướng dẫn những kiến thức về pháp luật, các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC-CNCH. Đồng thời, hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở hộ gia đình, nhà chung cư, nơi tập trung đông người…
Giới thiệu những mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng; giới thiệu trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH gồm: xe chữa cháy, xe CNCH, dụng cụ phương tiện CNCH và một số dụng cụ khác.
Hơn 300 giảng viên và sinh viên đang ở ký túc xá của Trường ĐH Cửu Long bị thu hút bởi những thông tin, hình ảnh mới lạ. Nhưng, quan trọng nhất là thực hành, trải nghiệm sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas, di chuyển người tay không, rải vòi chữa cháy, thoát nạn trong không gian hạn chế. Trải nghiệm cứu người, di chuyển thoát nạn trong môi trường có nhiều khói,…
Trải nghiệm cứu người. |
Dù chỉ là những tình huống tập dợt, có chuẩn bị nhưng đối với các bạn sinh viên là một trải nghiệm không quên. Sinh viên Trịnh Hữu Phước- năm 3, Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Trước đây, em có được học về PCCC nhưng chỉ là lý thuyết, không có thực hành. Lần này, em được trải nghiệm và học hỏi được nhiều kỹ năng, biết nhiều thứ hơn cũng yên tâm hơn”.
Trải nghiệm thoát hiểm trong môi trường nhiều khói, thoát hiểm bằng dây từ tầng cao, Phước chia sẻ: “Khi đu dây từ trên cao xuống, dù đã được các anh công an thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, được hỗ trợ nhưng em không tránh khỏi hồi hộp. Nhờ đó, mới hiểu được những khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ PCCC”.
Lưu học sinh Lào, Mina Linxomphou- sinh viên năm cuối, ngành Dược học, Trường ĐH Cửu Long, hào hứng tham gia nhiều hoạt động PCCC. Mina cho biết: “Em thấy những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực bởi đây là những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn mà ai cũng cần được trang bị. Bình thường em chỉ tìm hiểu các kiến thức qua mạng, còn hiện tại các chú cảnh sát sẽ đưa ra tình huống cụ thể nên kiến thức sẽ dễ hiểu và dễ áp dụng hơn”.
Thông qua hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ về công tác PCCC- CNCH của lực lượng PCCC tại chỗ, phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ”. Qua đó, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC- CNCH, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy, nổ và các sự cố cháy xảy ra.
Tăng cường phòng cháy chữa cháy trong trường học
Để trang bị kiến thức kỹ năng PCCC-CNCH cho học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn, yêu cầu triển khai nội dung kiến thức kỹ năng về PCCC- CNCH thống nhất giữa các cấp học, trình độ đào tạo của học sinh, sinh viên kết hợp với hoạt động giáo dục chính khóa với tổ chức các hoạt động giáo dục.
Anh Nguyễn Cao Phong- Bí thư Đoàn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, cho biết, thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và sự chỉ đạo của BCH, mỗi năm vào đầu năm học, trong chương trình sinh hoạt đầu khóa chúng tôi đã phối hợp với cảnh sát PCCC triển khai cho sinh viên. “Sắp tới, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai có tập huấn, diễn tập cho sinh viên, đặc biệt lưu tâm đến sinh viên đang ở ký túc xá”.
Nội dung tuyên truyền giáo dục là các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn PCCC-CNCH, các quy định của Bộ GD-ĐT; trách nhiệm của các cấp, ngành tổ chức cá nhân và gia đình trong công tác PCCC. Tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân gia đình cộng đồng và xã hội. Biện pháp quy trình PCCC-CNCH khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Kiến thức, kỹ năng bổ trợ về PCCC-CNCH được các cơ sở giáo dục cung cấp cho người học để đạt yêu cầu quy định phù hợp với điều kiện nhà trường. Ngoài ra, còn diễn tập sử dụng các phương tiện PCCC-CNCH, diễn tập các phương án di chuyển khi xảy ra sự cố
cháy, nổ.
Anh Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, cho biết, nhà trường luôn quan tâm hướng dẫn các kỹ năng PCCC cho sinh viên. Đối với sinh viên ký túc xá, phải đảm bảo thực hiện đúng quy định, không được nấu ăn trong phòng ký túc xá. Khu vực nấu ăn được riêng biệt, đảm bảo an toàn PCCC. Đồng thời, cho sinh viên diễn tập, giả định các tình huống để học đi đôi
với hành”.
Diễn tập di chuyển người tay không. |
Trường học không chỉ là nơi học kiến thức mà còn trang bị cho học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Trong đó, kỹ năng để phòng tránh, xử lý với những tình huống gây tai nạn, thương tích là rất cần thiết, trong đó có những kỹ năng PCCC, để đảm bảo an toàn cho mình và người thân.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc tổ chức tuyên truyền kiến thức PCCC cho giảng viên, sinh viên, thầy Trương Công Sơn- Phó Bí thư Đảng ủy, Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Được sự chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi tổ chức tuyên truyền phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ đặc biệt là trải nghiệm, đây là nội dung rất quan trọng, rất cần thiết, giúp cho cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường có những kiến thức và nhận thức đúng đắn về tác hại của PCCC và đề cao trách nhiệm của mình”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN