UBND tỉnh vừa phê duyệt đồ án quy hoạch (QH) xây dựng vùng huyện Tam Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. QH góp phần phát huy tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
TT Tam Bình ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. |
UBND tỉnh vừa phê duyệt đồ án quy hoạch (QH) xây dựng vùng huyện Tam Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. QH góp phần phát huy tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tam Bình hiện có TT Tam Bình là đô thị loại V, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện. Ông Trần Đắc Thắng (Khóm 3, TT Tam Bình) cho biết, những năm gần đây, đường sá được đầu tư thông thoáng, cơ sở mua bán mọc lên ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Nguyễn Văn Cang- Chủ tịch UBND TT Tam Bình, cho biết, thị trấn đã phát triển thêm chợ đêm Tam Bình ở bờ kè dọc đường Lưu Văn Liệt. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển “kinh tế đêm”. Trước đó, cuối năm 2022, đường Lưu Văn Liệt gắn với chợ đêm đã được đầu tư nâng cấp, thảm nhựa và trang bị hệ thống đèn hoa… Do đó, hiện các tuyến đường nội ô rất rực rỡ khi đêm về.
Trong năm 2023, thị trấn tiếp tục được quan tâm đầu tư kinh phí phát triển đường giao thông, những công trình phát triển kết cấu hạ tầng. Bên cạnh, các thiết chế văn hóa của thị trấn ngày càng hoàn thiện.
Mạng lưới sân cầu lông, sân bóng, công viên, trung tâm văn hóa- thể thao, bờ kè cây xanh… là những điểm đến vui chơi, thư giãn của cộng đồng. “Đảng ủy, UBND thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt để năm 2023 thị trấn giữ vững được đô thị văn minh, để góp phần đưa huyện Tam Bình được công nhận huyện NTM”- ông Cang nói.
Theo đồ án QH, định hướng đến năm 2030, huyện Tam Bình có 2 đô thị loại V là TT Tam Bình và đô thị Cái Ngang. Đến năm 2040, toàn huyện có 1 đô thị loại IV (là TT Tam Bình) và 2 đô thị loại V là đô thị Cái Ngang và đô thị Song Phú.
Khuyến khích phát triển các khu vực có điều kiện thuận lợi về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, môi trường cảnh quan sinh thái, văn hóa đặc trưng… để hình thành khu đô thị mới. Theo đó, với tính chất, chức năng là “đô thị phức hợp về thương mại, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí” tại các xã Tân Phú, Long Phú, Mỹ Thạnh Trung, Loan Mỹ, Bình Ninh và Ngãi Tứ.
Bên cạnh, hệ thống điểm dân cư nông thôn được tổ chức trên cơ sở khai thác hệ thống kênh, rạch và các tuyến giao thông chính (đường tỉnh, đường huyện, đường xã). Định hướng cải tạo nâng cấp các trung tâm xã, điểm dân cư hiện hữu và phát triển các điểm dân cư mới (quy mô tối thiểu của các điểm dân cư là 10ha và được cụ thể tại QH chung xây dựng xã, QH chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn).
Mặt khác, định hướng huyện được phân thành 3 phân vùng gồm: phân vùng trung tâm là vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao; phân vùng phía Bắc- vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng dịch vụ hỗ trợ các trung tâm, cực phát triển; phân vùng phía Nam- vùng nông nghiệp, chuyên cây ăn trái, hoa màu kết hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản, vùng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Bên cạnh tiếp tục đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Song Phú và Cụm công nghiệp Phú An, huyện duy trì hoạt động của các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Đồng thời, định hướng phát triển du lịch, dịch vụ gắn với dựa trên các tiềm năng, lợi thế đặc trưng về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường của huyện (Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang; Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa; tuyến cảnh quan dọc sông Măng Thít; cồn Đông Hậu; vùng cảnh quan sinh thái miệt vườn, sông nước và các làng nghề đặc trưng…).
Cùng với mạng lưới chợ tiếp tục nâng cấp, cải tạo; dự kiến xây dựng chợ đầu mối nông sản tỉnh (quy mô khoảng 2ha). QH hệ thống trung tâm thương mại tại các đô thị (Tam Bình, Cái Ngang, Song Phú) và xã Bình Ninh; QH hệ thống siêu thị gắn với các đô thị, các trung tâm xã…
Phố xá khang trang, cơ sở mua bán mọc lên ngày càng nhiều. |
QH cũng định hướng các dự án ưu tiên đầu tư; nguồn lực thực hiện từ ngân sách trung ương, địa phương và huy động tối đa các nguồn lực khác. Qua đó, nhằm đề xuất phát triển hệ thống đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện, thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai và quản lý QH đô thị, QH xây dựng NTM, QH công nghiệp, du lịch- dịch vụ, các vùng nông nghiệp... làm tiền đề thu hút đầu tư. Với xu thế đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ, QH sẽ làm cơ sở để quản lý đô thị và nông thôn ngày càng hiệu quả hơn; đáp ứng tiêu chí quan trọng hướng tới mục tiêu đạt huyện NTM.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU