Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp học nghề còn khá ít

02:10, 20/10/2023

Ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Nhưng thực tế tại tỉnh, số người thất nghiệp chọn học nghề còn khá ít, với nhiều lý do khác nhau.

 

Hỗ trợ đào tạo nghề luôn gắn với giới thiệu việc làm, góp phần đảm bảo cung- cầu lao động.
Hỗ trợ đào tạo nghề luôn gắn với giới thiệu việc làm, góp phần đảm bảo cung- cầu lao động.

Ngoài khoản trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn được hỗ trợ học nghề. Nhưng thực tế tại tỉnh, số người thất nghiệp chọn học nghề còn khá ít, với nhiều lý do khác nhau.

Ông L.T.T. (ở huyện Tam Bình) cho biết, ông có thời gian làm việc ở TP Hồ Chí Minh hơn 15 năm, nhưng nghỉ việc vì muốn về quê làm vườn. Sau khi nghỉ việc, ông làm thủ tục và được giải quyết nhận trợ cấp thất nghiệp hơn 5 triệu đồng/tháng, trong vòng 12 tháng. Ông T. nói “khoản đó góp một phần vào chi phí đầu tư
vườn tược”.

“Khi đến làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, cán bộ có tư vấn học nghề để xin việc làm mới nhưng tôi từ chối vì không muốn đi làm công ăn lương nữa. Tôi chỉ muốn chuyên tâm trồng nông sản tại vườn nhà”, ông T. cho biết thêm.

Là lao động may giày da tại một công ty trong KCN Hòa Phú (Long Hồ), chị N.H.C. (22 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn) kể, từ khi vừa tốt nghiệp THPT thì xin vào làm công ty. Đến đầu năm nay, công ty giảm giờ làm nên lương của chị cũng giảm hơn 1 triệu đồng/tháng. “Mức lương thấp hơn trước nhưng chi phí nhà trọ, ăn uống vẫn như cũ nên tôi quyết định nghỉ việc về quê làm để được gần nhà. Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp, tôi sẽ học thêm việc may quần áo tại cơ sở mới nên không đăng ký học nghề theo chính sách”- nữ lao động nói.

Tương tự, ông V.T.H. (43 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) cho biết sau khi nghỉ làm công ty cũ, được người bạn giới thiệu chỗ làm mới là xưởng cơ khí trên địa bàn, làm việc đúng 8 giờ/ngày mà mức lương cao hơn, có đầy đủ chính sách bảo hiểm, tặng quà các dịp lễ, Tết. “Tôi đã có tay nghề sẵn, qua xưởng mới là có thể làm việc được ngay nên không cần học nghề. Hiện tại tôi chỉ làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp chứ không đăng ký học nghề”- theo ông H..

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, trong 9 tháng của năm 2023, đơn vị tiếp nhận gần 12.000 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kết quả giải quyết, có gần 11.800 người hưởng chính sách này. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 100 tỷ đồng.

Đến thời điểm trên, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đạt 108% kế hoạch. Cùng với giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính đến nay đơn vị tư vấn hỗ trợ học nghề cho 1.665 người lao động thất nghiệp. Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng và tối đa không
quá 6 tháng.

Tuy với 1.665 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề đến nay đạt cao (hơn 166% kế hoạch), nhưng có thể thấy còn ít trong tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Theo ghi nhận ở người lao động thất nghiệp, có nhiều nguyên nhân khác nhau như: muốn “về nhà” làm lao động tự do (làm nông, buôn bán), nghỉ ngơi một thời gian rồi tìm việc làm mới, hay nhiều lao động xin vào công ty mới và bắt đầu học việc để làm ở môi trường mới...

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh