"Sáng tát nước đến trưa, chiều tát nước đến tối" là thực tế những gì đang diễn ra ở nhiều đô thị mấy ngày vừa qua.
“Sáng tát nước đến trưa, chiều tát nước đến tối” là thực tế những gì đang diễn ra ở nhiều đô thị mấy ngày vừa qua.
Như dự báo, đỉnh triều tối ngày 2 và 3/10 xuất hiện, nước sông lên nhanh, kết hợp mưa đã gây ngập đường sá. Một đoạn đường Trưng Nữ Vương bị ngập nặng. Xung quanh tuyến phố sầm uất này chỉ nhìn thấy nước, khác xa khung cảnh hoạt náo ngày thường. Chủ các quán ăn người bấm điện thoại chờ nước rút, người ngao ngán nhìn sóng nước dập dờn chẳng khác gì dòng sông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, buôn bán của người dân. Máy bơm rút nước được đơn vị chuyên môn hoạt động liên tục, nhưng không giải quyết triệt để vấn nạn nước dâng.
Đây không phải mùa nước nổi bất ngờ, thậm chí dân đô thị dần quen “sống chung với triều cường” song thực tế những gì diễn ra họ lại một lần khổ sở. Cảnh “đắp cát, tát nước” trở nên quen thuộc!
Việc ứng phó triều cường thời gian qua được cho là rất chủ động của nhiều địa phương ĐBSCL. Đó là nâng cấp các tuyến đường trọng yếu trong thành phố. Tuy nhiên, cách này cũng không ổn thỏa vì nâng đường thì nhà ngập, nâng nhà thì đường ngập nên cuộc đua không có đích đến. Ngoài ra, có thể làm đê bao xung quanh để đóng lại khi thủy triều dâng cao. Cách này thì hiệu quả nhanh nhưng cũng có nhiều hệ lụy là dễ gây tù đọng, ô nhiễm và gia tăng ngập cho vùng ngoài đê.
Vì vậy, theo các chuyên gia, để giảm thiểu các tác động tiêu cực do ngập lụt đô thị gây ra thì cần một giải pháp tổng thể gồm: nhóm giải pháp kỹ thuật, thiết kế và xây dựng; nhóm giải pháp quy hoạch, kế hoạch; nhóm giải pháp cơ chế, chính sách. Và cấp bách nhất là việc xây mới và cải tạo các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống thoát nước đô thị hiện nay!
N. HOÀNG