Ở Việt Nam, từ năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (TL) đã ra đời với các chế tài rất chặt chẽ. Cùng với đó, năm 2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có hiệu lực thực thi.
Ở phà Thanh Bình (Vũng Liêm) vẫn còn nhiều người thản nhiên hút thuốc lá. |
Ở Việt Nam, từ năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (TL) đã ra đời với các chế tài rất chặt chẽ. Cùng với đó, năm 2020, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có hiệu lực thực thi.
Và từ đầu tháng 8/2023 hàng loạt địa điểm trên cả nước đã cấm triệt để việc hút TL và sẽ mạnh tay xử phạt người vi phạm. Song đến nay, tình trạng hút TL tại nơi công cộng vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tinh thần của những người xung quanh.
Một người hút thuốc… nhiều người chịu đựng
Dù những nơi công cộng có gắn biển cấm hút TL, song việc hút TL nơi công cộng, bệnh viện, quán ăn, nhà hàng, công viên, thậm chí là khi điều khiển phương tiện giao thông… là hình ảnh không khó để bắt gặp trong đời sống hàng ngày. Nguy hại của TL ai cũng biết, ai cũng sợ ung thư, đột quỵ, tim mạch,… nhưng nhiều người vẫn thờ ơ, phớt lờ khói TL.
Sự việc 10 học sinh của Trường Tiểu học Yên Phú (ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) bị phỏng phải nhập viện cấp cứu ngay tại buổi lễ khai giảng do bóng bay phát nổ khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nguyên nhân của vụ tai nạn nghiêm trọng này lại bắt nguồn từ việc một giáo viên nhà trường đã hút TL ngay giữa lễ khai giảng và để TL chạm vào chùm bóng bay gây nổ. Vụ tai nạn trên cho thấy tình trạng hút TL nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan.
“Không ít nơi công sở tổ chức lớp tập huấn, hội họp dù có biển cấm hút TL nhưng trước khi họp hoặc giải lao thì hành lang hay khu vực uống trà thì nhiều người vẫn điềm nhiên hút TL. Đi ngang, hay ngồi trò chuyện chung thì khói TL bám vào tóc, áo quần khiến tôi rất bức xúc”- chị Nguyễn Quỳnh Như (TP Vĩnh Long) bức xúc.
Khói TL rất nguy hiểm, là yếu tố nguy cơ cao của nhiều bệnh lý ở khắp các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, có những bệnh lý khi đã mắc phải và bộc phát thì việc điều trị thường ít khi còn hiệu quả nữa. Ngày nay, các bằng chứng đã cho thấy không chỉ người hút bị những ảnh hưởng nguy hiểm từ khói TL, mà người hút TL thụ động cũng bị tương tự. Trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại TL, thì với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, khói TL có thể tồn tại ở khắp nơi và không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói TL thụ động. Do đó, hút TL nơi công cộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng. |
Tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng
Thực hiện môi trường không khói TL là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Để người dân được sống và làm việc trong môi trường không khói TL, thiết nghĩ, cần nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của nhiều cá nhân thường xuyên sử dụng TL.
Thời gian qua, Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực để đưa Luật Phòng, chống tác hại của TL vào cuộc sống, song tỷ lệ người hút TL tại nơi công cộng, nơi làm việc, nơi có quy định cấm vẫn còn khá cao. Đa số người trưởng thành đều biết tác hại của TL. Song rất nhiều người hút TL vẫn coi đây là hành vi bình thường. Do vậy, cần phải nghiêm túc thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL.
Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của TL, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của TL, lợi ích của môi trường không khói TL, các ngành, các cấp trong tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của TL.
Phó Giám đốc Sở Y tế- Trần Văn Tiền đề nghị, các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng TL, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL bằng các phương thức và kênh thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Song song đó, các ngành, địa phương cần quan tâm bồi dưỡng năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của TL tại các cơ quan, đơn vị, để từ đó củng cố và nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại của TL; tăng cường xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, nhà hàng, khách sạn, tổ chức, nơi làm việc không khói TL.
“Các ngành, địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của TL, quy định cấm hút TL tại nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế, giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và địa điểm theo quy định để từng bước kéo giảm tình trạng sử dụng TL, hướng đến việc xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng”- Phó Giám đốc Sở Y- tế Trần Văn Tiền nhấn mạnh.
Quy định nhiều địa điểm cấm hút thuốc lá Thông tư số 11/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, các địa điểm cấm hút thuốc lá (TL) nơi công cộng được mở rộng để hạn chế tác hại của TL đến sức khỏe cộng đồng. Thông tư 11 đã quy định các địa điểm cấm hút TL hoàn toàn trong nhà và cả trong phạm vi khuôn viên bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra, Thông tư 11 còn cấm hút TL hoàn toàn trong nhà tại các địa điểm là nơi làm việc trong nhà của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác. Khu vực trong nhà của các địa điểm công cộng sau cũng cấm hút TL: cơ sở dịch vụ ăn uống; cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí; nhà ga, bến tàu, bến xe; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; trung tâm hội nghị; trung tâm thương mại, chợ; nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, CLB, nhà thi đấu thể thao, sân vận động; nhà sinh hoạt cộng đồng và các khu vực sinh hoạt chung của khu chung cư và các địa điểm công cộng khác. Cấm hút TL hoàn toàn trong ô tô, máy bay, tàu điện... tại các khu vực cách ly của sân bay; quán bar, quán karaoke, vũ trường; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác... Đáng chú ý, Thông tư 11 quy định rõ, tại các địa điểm cấm hút TL đều bắt buộc phải đặt, in, bố trí các bảng, biển bằng chữ hoặc biểu tượng cấm hút TL với những nội dung thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn; đặt ở nơi dễ quan sát, nơi có nhiều người qua lại... |
Bài, ảnh: MAI ANH