Thời gian qua, hội khuyến học các cấp tỉnh Vĩnh Long càng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân trao học bổng khuyến học khuyến tài cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với việc phát huy phong trào khuyến học, học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, thúc đẩy xây dựng cộng đồng xã hội học tập.
Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023. |
Thời gian qua, hội khuyến học các cấp tỉnh Vĩnh Long càng phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, cá nhân trao học bổng khuyến học khuyến tài cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với việc phát huy phong trào khuyến học, học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, thúc đẩy xây dựng cộng đồng xã hội học tập.
Từ khuyến học, khuyến tài
Chỉ tính quý II/2023, các cấp hội khuyến học trong tỉnh trao hơn 4.200 phần quà/suất học bổng khuyến học, khuyến tài hỗ trợ học sinh, sinh viên, tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Vừa qua, Viettel Vĩnh Long tổ chức trao học bổng “Vì em hiếu học” năm thứ 10. Có 20 học sinh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc vượt khó học tốt ở 2 xã Tân Mỹ và Trà Côn (Trà Ôn) được trao học bổng trong đợt này, mỗi suất học bổng 2 triệu đồng. Sau 10 năm triển khai học bổng “Vì em hiếu học” đã trao hơn 200 suất học bổng đến các em học sinh Vĩnh Long với tổng số tiền 260 triệu đồng.
Nhiều lần nhận được học bổng “Vì em hiếu học”, học sinh Liêu Bảo Khang (học sinh lớp 9, Trường THCS Tân Mỹ), cho biết: “Mỗi năm em được nhận học bổng 2 triệu đồng, đối với gia đình em thì đây là nguồn động viên rất lớn. Số tiền này giúp em trang trải chi phí học tập đầu năm học mới”.
Bảo Khang mồ côi cha từ năm 3 tuổi, mẹ đi làm ở TP Hồ Chí Minh gửi Bảo Khang và anh trai cho ông bà ngoại chăm sóc. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Bảo Khang luôn có thành tích học tập tốt, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Bảo Khang chia sẻ: “Em cố gắng học giỏi, sau này có nghề nghiệp ổn định để nuôi mẹ và ông bà, không phụ lòng các cô chú trao học bổng giúp đỡ em”.
Gia đình em Thạch Thị Oanh Li (học sinh lớp 6, Trường THCS Trà Côn) thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất. Ngồi bên cạnh con gái ngây thơ đang tuổi ăn, tuổi học, anh Thạch Quy Vót- cha Oanh Li, nói: “Gia đình khó khăn nhưng vợ chồng tôi luôn cố gắng làm lụng để nuôi con ăn học, mong con học đến nơi, đến chốn, sau này còn có tương lai”.
Mới đây, học bổng “Hoa từ bi” của chùa Phước Nguyên (Trà Ôn), trao cho sinh viên khó khăn mỗi suất 10 triệu đồng. Em Trần Thị Hận (sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Cần Thơ) đã 2 lần nhận được học bổng này. Em cho biết: “Đối với em học bổng này rất có ý nghĩa về tinh thần và vật chất, nhờ đó, em có tiền đóng học phí, trang trải chi phí học tập”.
Mỗi học sinh có hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có chung ước muốn là được học hành đến nơi đến chốn, để sau này có nghề nghiệp giúp đỡ gia đình thoát nghèo. Học bổng có thể không nhiều nhưng thể hiện sự quan tâm, chăm lo góp phần động viên các em mỗi năm học mới; giảm gánh nặng của cha mẹ học sinh, giúp các em vững bước đến trường.
Xây dựng cộng đồng, xã hội học tập
Hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”, thời gian qua, các cấp hội khuyến học tỉnh Vĩnh Long đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, vận động Nhân dân tham gia xây dựng xã hội học tập.
Phát huy tinh thần hiếu học, tạo sức lan tỏa cho phong trào học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại địa phương. Các hội viên Hội Khuyến học xã Tân Hạnh (Long Hồ) tích cực tham gia và vận động người dân xây dựng “gia đình học tập”, từ đó mở rộng và tiến dần đến dòng họ học tập.
Theo đó, kinh nghiệm của hội là làm tốt công tác tuyên truyền, lựa chọn những mô hình tiêu biểu để mà giới thiệu. Nhờ đó, việc xây dựng xã hội học tập trong thời gian qua đạt kết quả tốt. Người dân đã có ý thức hơn về vấn đề học tập để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới hỗ trợ rất đắc lực cho việc sản xuất kinh doanh, đời sống.
Chỉ tính riêng học bổng Trần Đại Nghĩa của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long hơn 20 năm qua, đã trao tặng trên 30.500 suất học bổng hỗ trợ các em học sinh, sinh viên với trên 100 tỷ đồng.
Ông Lưu Thành Công- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Đồng hành cùng Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh và các em có thành tích học tập xuất sắc được phát huy tài năng của mình.
Đồng thời thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để tất cả mọi người được học tập nâng cao trình độ, áp dụng vào thực tiễn sản xuất đời sống, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương”.
Thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long xác định sẽ tiếp tục xây dựng xã hội học tập, chú trọng đến các mô hình dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, công dân học tập nhằm nâng cao ý thức của tất cả mọi người trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện tốt việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Theo Hội Khuyến học tỉnh, đến nay Vĩnh Long có trên 90% gia đình học tập, hơn 99% dòng họ học tập. Toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận cộng đồng học tập cấp xã. Phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy từng công dân, từng gia đình, dòng họ, từng đơn vị, cơ quan tham gia học tập thường xuyên và học tập suốt đời, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN