Cần trân trọng "mảng xanh" của thành phố

04:10, 18/10/2023

Dạo quanh các con đường ở TP Vĩnh Long, những hàng cây xanh trồng dọc trên vỉa hè đã làm tươi mát thêm cho không khí nhộn nhịp của đô thị. Tuy nhiên, khi vô tình phát hiện một vài cây "tự dưng" héo úa, rồi chết dần khiến nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối.

 

 

Hàng phượng trên đường Đinh Tiên Hoàng bị các hàng quán che bạt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.
Hàng phượng trên đường Đinh Tiên Hoàng bị các hàng quán che bạt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Dạo quanh các con đường ở TP Vĩnh Long, những hàng cây xanh trồng dọc trên vỉa hè đã làm tươi mát thêm cho không khí nhộn nhịp của đô thị. Tuy nhiên, khi vô tình phát hiện một vài cây “tự dưng” héo úa, rồi chết dần khiến nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối.

Cây xanh đô thị với sự đa dạng và phong phú về hình dáng, tán cây, màu sắc, chiều cao, hoa... sẽ góp phần làm dịu mát dưới ánh nắng mặt trời, giúp lọc bớt các chất ô nhiễm như khói, bụi, làm không khí mát dịu và trong lành hơn. Ở nhiều đô thị, cây xanh trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các công trình kiến trúc, làm tăng giá trị bất động sản và là niềm tự hào của người dân.

TP Vĩnh Long là đô thị loại II và là đô thị lớn nhất của tỉnh, bên cạnh những hàng cây cao, cổ kính như cây sao ở Văn Thánh miếu, Bảo tàng Vĩnh Long, đường Lê Thái Tổ, Nguyễn Thị Út, Trần Phú, công viên TP Vĩnh Long... Thành phố còn trồng nhiều cây xanh có giá trị ở các công viên Phường 9, công viên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long…

Trong Chương trình phát triển đô thị TP Vĩnh Long đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long đã xác định mục tiêu phát triển hướng đến “thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu, hiện đại”. Về cây xanh, phấn đấu chỉ tiêu đất cây xanh toàn đô thị đạt 9 m2/người (vào năm 2025) và 11 m2/người (2030), trong đó đất cây xanh khu vực nội thành từ 6-7 m2/người. UBND tỉnh cũng đã thông qua kế hoạch triển khai trồng 500.000 cây xanh phân tán tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch nhằm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam và Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021. Theo đó, khu vực đô thị sẽ trồng 55.000 cây ở 6 thị trấn, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long, số còn lại 445.000 cây trồng ở khu vực nông thôn.

Các tuyến đường như: hàng cây sộp đường Phạm Thái Bường (Phường 4), bằng lăng tím đường Nguyễn Huệ (Phường 2), sao đường Trần Đại Nghĩa (Phường 3), bàng Đài Loan đường Phạm Hùng (Phường 9)… Qua đó, mảng xanh đô thị kết hợp với công trình cao tầng của đô thị phát triển đã phần nào tạo nét hiện đại, tươi mát của một đô thị xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay, việc chăm sóc, ứng xử với cây xanh dường như còn hạn chế, trong đó có ý thức của người dân thật sự chưa tốt. Khoảng cuối tháng 9, trên đường Lưu Văn Liệt (Phường 2), người dân chứng kiến 2 cây xanh tự dưng chết khô. Một hộ dân sống ở đây cho biết, 1 cây chết trước vài ngày, rồi cây còn lại cũng dần chết theo. Người dân không hiểu vì lý do gì mà tự dưng chết như vậy.

Trong khi đó, nếu quan sát kỹ, trên đường Phạm Thái Bường (Phường 4) hướng về gần cầu Phạm Thái Bường, 2 cây sanh (hay sộp) cũng “chết trắng” từ nhiều tháng nay. Theo quan sát, dưới gốc cây bị chết có rất nhiều rác thải, chủ yếu là các loại phế thải từ quá trình sửa chữa xe…

Hay ngay tuyến đường 2 Tháng 9, đường Hưng Đạo Vương (Phường 1) cũng có vài cây xanh đang “bị suy”, có cây bị chết. Hay hàng phượng trên đường Đinh Tiên Hoàng (Phường 8) trong “ký ức đẹp” của bao người dân thành phố cũng đang bị các hàng quán vây quanh, “bóp nghẹt”, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây…

Tạm thời bỏ qua nguyên nhân khách quan do cây già yếu, bị sâu hoặc ngập nước,… có thể nói, cây xanh “kiệt sức” còn có nguyên nhân chủ quan đến từ con người. Nếu quan sát kỹ, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều hành vi “bức tử” của một bộ phận người dân đối với cây xanh đô thị như: đục khoét, đóng đinh vào cây, thậm chí là đổ rác thải, các chất độc hại khiến cây kém phát triển hoặc chết…

Một cây xanh trên đường Lưu Văn Liệt đã chết và bị đốn bỏ (trong vòng tròn) và liền đó 1 cây xanh cũng chết khô.
Một cây xanh trên đường Lưu Văn Liệt đã chết và bị đốn bỏ (trong vòng tròn) và liền đó 1 cây xanh cũng chết khô.

Đây là những hành vi cần có hình thức xử phạt hợp lý, đồng thời tuyên truyền người dân về lợi ích của cây xanh ở đô thị, từng bước nâng cao nhận thức cũng như tăng “sự trân trọng” của người dân đối với cây xanh.

Ngoài việc tăng ý thức bảo vệ, “tôn trọng” cây xanh của tất cả người dân, một số ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững cây xanh, cần có định hướng trong phát triển cây xanh, phát triển lâm nghiệp ở các đô thị, nghiên cứu thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh dài hạn.

Theo Nghị định số 64/2021/NĐ-CP, quy định cụ thể các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể. Ví dụ như cấm các hành vi như trồng cây trong danh mục bị cấm, tự ý chặt hạ, dịch chuyển, treo, gắn bảng quảng cao, giăng dây, giăng đèn trang trí,… Tùy theo hành vi mà phạt cảnh cáo hay phạt tiền. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng, từ 30-50 triệu đồng các hành vi như: đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; thực hiện hành vi đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây; các hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép;…

 

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh