Vĩnh Long vươn mình đổi mới

07:09, 03/09/2023

Là tỉnh thuần nông, có điểm xuất phát thấp; lại không có rừng, không có biển, nên Vĩnh Long không có nhiều ưu thế để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội như một số tỉnh, thành khác trong khu vực. 

 

Vĩnh Long đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Vĩnh Long đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Là tỉnh thuần nông, có điểm xuất phát thấp; lại không có rừng, không có biển, nên Vĩnh Long không có nhiều ưu thế để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội như một số tỉnh, thành khác trong khu vực.

Song, với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và sự đồng hành của doanh nghiệp đã đưa Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Vượt qua khó khăn

Nằm ở khu vực trung tâm vùng ĐBSCL, nhưng tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhiều khó khăn, do quy mô nền kinh tế nhỏ, thu nhập chủ yếu của người dân từ sản xuất nông nghiệp; hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao; nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn ít; tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; đặc biệt là trong những năm vừa qua phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Song, “với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đến nay tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nền tảng kinh tế- xã hội tương đối vững chắc”- ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết.

Là người sống ở đô thị “từ lúc sinh ra đến giờ”, ông Mai Văn Sét (ngụ Khóm 1, Phường 8, TP Vĩnh Long), cho biết: Phường 8 trước đây là vùng ven của TX Vĩnh Long.

Trước ngày giải phóng, hệ thống hạ tầng về điện, đường, trường, trạm… chẳng khác gì nông thôn. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa hoặc đi mần mướn, lao động chân tay, chứ không có khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp vào đầu tư để có việc làm, lao động trí óc như hiện nay.

Chỉ vào con đường đan rộng lớn trước nhà, ông Sét kể: “Con đường này nè, trước đây là đường đất, mùa mưa lầy lội, mùa lũ nước ngập tới đầu gối, có nơi ngập gần tới cổ, phải đặt xe lên xuồng bơi ra đầu đường đi hoặc chờ nước cạn dẫn xe đi. Người dân chủ yếu di chuyển bằng xe đạp, chứ đâu có nhiều xe gắn máy hay xe hơi để đi…

Dần dần, khu vực này được Nhà nước đầu tư làm đường đan 6 tấc cho xe 2 bánh đi tạm chứ xe ba gác không vào được, nên khi cất nhà vận chuyển vật tư rất khó khăn. Sau này, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân hiến đất để Nhà nước nâng đường cao lên và mở rộng mặt đường lên 2,5m, việc đi lại càng dễ dàng, thuận lợi”- ông Sét kể.

Sinh sống ở một xã vùng sâu, ông Phan Ngọc Sáng (thường “gọi Bảy Sáng, ngụ ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân), vẫn nhớ như in” khu vực này trước đây hầu như chưa có đường đi, chủ yếu di chuyển bằng xuồng”. Các con ông đi học ở xã Tân Quới (cách nhà khoảng 7 cây số), phải băng đồng, lội sông, tập sách thì để trên đầu, đến trường thì quần áo ướt hết.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, quyết sách chăm lo đời sống nhân dân. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã được quan tâm đầu tư “đi trước một bước” nhằm đảm bảo kết nối giữa các địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống nhân dân.

Theo đó, việc đi lại đã chuyển dần từ đường thủy sang đường bộ với hệ thống giao thông được đầu tư thông suốt, đồng bộ… Những cây cầu khỉ dần được thay thế bằng cầu bê tông chắc chắn. “Đường sá đi lại thuận tiện, trường học được đầu tư khang trang ngay tại xã nhà nên tụi nhỏ lên xe chạy chỉ vài phút là tới trường”- ông Bảy Sáng phấn khởi nói.

Thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển

Những năm đầu sau giải phóng, trường học khắp nơi trong tỉnh đều xuống cấp, mưa là ngập, bàn ghế xệu xạo, dụng cụ học tập thiếu thốn… thì nay cùng với việc vận động hỗ trợ, Nhà nước còn đầu tư nâng cấp, xây mới trường học, có sân chơi, thư viện…

Cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đến nay đã xây dựng thay thế toàn bộ các điểm trường tre lá và chuyển sang đầu tư kiên cố, bán kiên cố; 100% trường học có nhà vệ sinh, nước sạch sử dụng. Mạng lưới và quy mô trường học các cấp được mở rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập...

Hiện, xe ô tô đã đến được trung tâm các xã; tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng chiếm trên 99%, hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung chiếm hơn 80%... Cùng với đó, “Vĩnh Long luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển xã hội; giải quyết hài hòa các vấn đề về xã hội; nhất là các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân”- ông Nguyễn Thành Thế cho biết.

Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, tuần hoàn.
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái xanh, tuần hoàn.

Đến nay, toàn tỉnh có 73/87 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 27 xã NTM nâng cao; 2/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TX Bình Minh và huyện Bình Tân). Bên cạnh, huyện Tam Bình đã hoàn thiện hồ sơ trình Văn phòng Điều phối NTM Trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Trong phát triển kinh tế, đã hình thành một số vùng chuyên canh, mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: bưởi năm roi (xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh); mô hình trồng khoai lang của huyện Bình Tân... Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chế biến, xuất khẩu. Chăn nuôi và thủy sản chuyển dịch theo hướng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng.

Kết cấu hạ tầng của tỉnh được tăng cường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Kết cấu hạ tầng của tỉnh được tăng cường đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh luôn chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Công tác dân vận chính quyền có chuyển biến tích cực. Nổi bật là, “đã xây dựng được một số mô hình dân vận khéo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng NTM, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội”- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế cho biết.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn tỉnh có trên 21.000 thương binh, liệt sĩ và bệnh binh, có 2.868 mẹ Việt Nam anh hùng, 83 đơn vị và 34 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Thời gian qua, các chế độ, chính sách, hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm chu đáo, tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm cho gia đình người có công với nước và hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh