Hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT; có kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông là vấn đề nhà trường, phụ huynh và học sinh cần đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện. Qua đó, nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh vui đến trường.
|
Các trường nằm cặp đường lớn, lưu lượng xe đông cần có biện pháp cụ thể, thích hợp để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. |
Hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về ATGT; có kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông là vấn đề nhà trường, phụ huynh và học sinh cần đặc biệt quan tâm, phối hợp thực hiện. Qua đó, nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh vui đến trường.
Tai nạn “đắng lòng”
Ngày 13/9 tại khu vực vòng xoay đoạn QL53 giáp đường Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, khiến một học sinh lớp 12 trên đường đi học đã vĩnh viễn không thể đến trường.
Xe đạp điện của em N. va chạm với xe tải lưu thông cùng chiều phía sau, sau cú va chạm em N. ngã xuống đường và bị xe tải cán qua người tử vong tại chỗ. Theo lời của giáo viên ở trường THPT mà N. đang theo học, một trong những nguyên nhân gây tai nạn là do lưu lượng xe đông giờ cao điểm, xe đạp điện của N. bị vấp do đoạn đường ghồ ghề, em N. ngã rơi vào điểm mù của xe.
Bài học tham gia giao thông sao cho an toàn, kỹ năng tham gia giao thông, xử lý tình huống của mọi người khi tham gia giao thông; đặc biệt, các em học sinh chưa đủ 18 tuổi, chưa hiểu biết về kỹ năng lái xe, về luật giao thông cần được quan tâm nhiều hơn.
Trước đó vào đầu tháng 9, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ tai nạn giao thông, xe ô tô húc hàng loạt xe máy khi dừng đèn đỏ, hậu quả làm 5 người bị thương- trong đó có 1 người bị thương nặng. Điều làm dư luận quan tâm là H.- người lái xe mới 16 tuổi, đang được cha “dạy lái xe” trên đường giao thông!
Hậu quả trước mắt là những nạn nhân bị ảnh hưởng từ việc “tập lái”, những người bình thường trở nên thương tật, ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần vì tai nạn do H. gây ra. Đó là chưa kể bản thân H. và cha là N. phải chịu chế tài của pháp luật. H. đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, đây là cú sốc lớn, ảnh hưởng tinh thần, ảnh hưởng đến học tập và tương lai của H. sau này. Đối với người giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ cũng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Thực tế hiện nay, không hiếm phụ huynh mua xe máy trên 50cc, cho con thuận tiện đi học nhưng chưa lường trước những hậu quả của việc này. Lãnh đạo một trường THPT ở TP Vĩnh Long cho hay, nhà trường không cho học sinh phổ thông chạy xe máy có phân khối vượt quy định vì các em chưa đủ 18 tuổi, nhưng các em không gửi xe trong trường, mà gửi những hộ dân lân cận trường thì chúng tôi cũng không quản lý được.
Sự việc này đã gióng lên hồi chuông, cảnh tỉnh phụ huynh tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, không cho con lái xe máy trên 50cc, khi chưa đủ 18 tuổi! Đừng hại con, hại cả những người xung quanh, vì xem thường Luật Giao thông đường bộ.
Đồng hành cho giao thông an toàn
Tình trạng học sinh chạy xe hàng ba, hàng bốn trên các tuyến đường giao thông; phóng nhanh vượt ẩu; học sinh tiểu học không đội nón bảo hiểm; thiếu kỹ năng lái xe,… trở thành một vấn nạn nhức nhối và gây hậu quả nặng nề.
Bên cạnh đó, còn có một số lý do khách quan như kết cấu hạ tầng giao thông chưa đảm bảo. Do đó, vấn đề giáo dục tuyên truyền pháp luật về ATGT cho người tham gia giao thông là hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với học sinh.
Cô Phan Hoàng Tố Nga- Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long), cho biết trường có hơn 1.500 học sinh, nằm trên khu vực Phường 1 đông dân cư. Vì thế, vấn đề ATGT luôn được quan tâm, tuyên truyền trong giờ sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm.
Cô Nga chia sẻ: “Chúng tôi có 3 cổng được phân chia cho các khối lớp để không gây mất trật tự, ách tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh. Học sinh được phụ huynh đưa rước thì ra vào trường theo cổng quy định của khối mình theo học; học sinh gửi xe trong nhà xe thì đi vào bằng cổng bên trái, vào thẳng bãi xe”.
Trường THPT Lưu Văn Liệt hướng dẫn học sinh chờ cha mẹ rước an toàn, không tập trung ngay chính diện cổng trường, gây ùn ứ giao thông; học sinh tự chạy xe đi học tuân thủ luật giao thông, đi xe đúng phân khối quy định, đi học sớm để tránh giờ cao điểm, không phóng nhanh, vượt ẩu,…
|
Tại các trường học nằm trong khu dân cư, vấn đề giao thông cũng cần được quan tâm. |
Em Phan Thành Mạnh Hiếu- học sinh lớp 11, Trường THPT Lưu Văn Liệt, cho hay: “Em bắt đầu đi xe máy có phân khối dưới 50cc từ năm học này. Trước đó, trong thời gian nghỉ hè, em đã được ba mẹ tập xe và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Đến trường, em cũng được thầy cô hướng dẫn thêm. Dù nhà cách trường chưa đến 2km nhưng em luôn đi học sớm để tránh giờ cao điểm”.
Ngay từ tháng 8/2023, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long Trịnh Văn Ngoãn đã có công văn yêu cầu các đơn vị giáo dục trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh; giáo dục kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện để đảm bảo ATGT.
Song song đó, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT theo hướng phải dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng đối tượng cần tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN