Chống sạt lở bằng vật liệu tái chế

11:09, 12/09/2023

Vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng bị sạt lở nhiều, nhưng vật liệu bảo vệ bờ rất khan hiếm. Bên cạnh đó, phế thải polymer từ sản xuất công nghiệp, dân sinh và phụ phẩm nông nghiệp còn dư thừa nhiều.

 

 

Cách vị trí được lựa chọn khoảng 100m hiện nay đã xảy ra sạt lở và được UBND xã Phú Đức cải tạo, lắp đặt rọ đá chống sạt.
Cách vị trí được lựa chọn khoảng 100m hiện nay đã xảy ra sạt lở và được UBND xã Phú Đức cải tạo, lắp đặt rọ đá chống sạt.

Vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng bị sạt lở nhiều, nhưng vật liệu bảo vệ bờ rất khan hiếm. Bên cạnh đó, phế thải polymer từ sản xuất công nghiệp, dân sinh và phụ phẩm nông nghiệp còn dư thừa nhiều.

Nhằm tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, rác thải nhựa kết hợp để tạo ra các vật liệu, cấu kiện chống sạt lở, ngành chức năng tỉnh phối hợp với Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã triển khai mô hình thử nghiệm chống sạt lở cho 50m bờ sông. Mô hình đánh giá có hiệu quả vừa phòng sạt lở bờ sông vừa góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa với giá thành rẻ.

Chống sạt lở, giảm rác thải

Theo ông Võ Hồng Phong- Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), do ảnh hưởng của dòng chảy, thủy triều và hoạt động khai thác cát, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đã có những nghiên cứu các giải pháp bảo vệ bờ, đa số giải pháp đều dùng vật liệu và cấu kiện dạng truyền thống là bê tông.

Trong quá trình sử dụng cũng bộc lộ những nhược điểm như do bê tông nặng nên làm tăng tải trọng mái dễ gây sạt lở khi nền quá yếu; là loại vật liệu đặc chắc nên khả năng thoát nước kém cũng làm cho mái kênh dễ sạt lở hơn.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long có trữ lượng phụ phẩm nông nghiệp và phế thải polymer dồi dào, xử lý không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, cần có những nghiên cứu tái sử dụng các loại nguyên liệu đó để giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế.

Do đó việc “Đánh giá hiện trạng sạt lở bờ sông, hiện trạng phát thải rác thải nhựa, phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” là hết sức cần thiết.

Cụ thể, mô hình chống sạt lở bờ sông bằng vật liệu tái chế từ rác thải nhựa và phụ phẩm nông nghiệp được thực hiện tại khu vực sông Cái Cao, ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức, huyện Long Hồ. Tuyến sông thuộc nhánh của sông Long Hồ, có chiều dài khoảng 4km, chiều rộng khoảng 45m.

Cách vị trí được lựa chọn khoảng 100m hiện nay đã xảy ra sạt lở và được UBND xã Phú Đức cải tạo, lắp đặt rọ đá chống sạt. Khu vực được lựa chọn thử nghiệm hiện nay đang có nguy cơ bị sạt lở.

Theo PGS Phùng Chí Sĩ- Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, mô hình được thực hiện kết cấu gồm 3 tầng: trên mặt nước, tầng giữa và chân được liên kết với nhau. Chức năng chủ yếu là làm giảm vận tốc và độ mạnh của sóng nước va vào bờ, hạn chế tốc độ, thay đổi hướng dòng chảy xoáy vào bờ và góp phần bồi lắng phù sa trong khu vực.

Theo dõi sau 2 tháng triển khai mô hình đã thể hiện tốt hiệu quả chống sạt lở. Mô hình được đánh giá là có chi phí thấp nhất, đạt hiệu quả về kinh tế- xã hội, môi trường và có thể được áp dụng rộng rãi. “So với các công trình bằng bê tông, thì mô hình này giảm chi phí hơn rất nhiều”- ông Sĩ cho biết thêm.

Cần tiếp tục nghiên cứu sâu để có hướng nhân rộng

Ông Nguyễn Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức (huyện Long Hồ), cho biết: Mô hình thử nghiệm đã hoàn thành từ ngày 30/7 và đang trong thời gian theo dõi đánh giá.

Qua theo dõi ban đầu từ khi hoàn thành đến nay, mô hình có ưu điểm là phao nổi giúp giảm tác động của sóng vào bờ khi tàu thuyền chạy qua, khu vực bên trong phao nổi hầu như không chịu tác động của sóng so với lúc chưa triển khai mô hình.

Quan sát thực tế 2 tháng, nhận thấy lượng sóng đập vào bờ ít hơn, không phát sinh thêm điểm sạt lở mới tại điểm triển khai mô hình, hạn chế được dòng chảy.

Quan sát thực tế tại điểm triển khai mô hình, ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn, cho hay: Mô hình tận dụng rác thải nhựa chống sạt lở trên bờ sông có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, thích hợp cho các nơi có bãi cồn, khu du lịch sinh thái, hạn chế sóng, lắng tụ bãi bồi.

Thời gian tới, khi đề tài kết thúc, báo cáo có hiệu quả, được cơ quan nhà nước triển khai nhân rộng thì địa phương sẽ mạnh dạn phối hợp để triển khai thực hiện tại các đê bao, sông, rạch tại Trà Ôn.

Bên cạnh tính hiệu quả, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để mô hình nhân rộng, nhóm thực hiện đề tài cần nghiên cứu sâu hơn về tuổi thọ của mô hình, nguy cơ phơi nhiễm các chất có trong rác thải làm vật liệu ra nguồn nước, vấn đề xử lý sản phẩm này sau khi hết hạn sử dụng.

Mô hình giúp giảm tác động của dòng chảy, sóng trực tiếp đập vào bờ.
Mô hình giúp giảm tác động của dòng chảy, sóng trực tiếp đập vào bờ.

Bên cạnh cải thiện tính thẩm mỹ của trụ neo, do thiết kế cố định, chắc chắn, nên hạn chế khả năng tàu thuyền cập bờ, vận chuyển hàng hóa tại khu vực thực hiện mô hình.

Ông Nguyễn Văn Tùng- Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Mô hình giúp đánh giá tính hiệu quả của việc kết hợp tái chế chất thải nhựa cùng phế phẩm nông nghiệp để chế tạo thành vật liệu, cấu kiện chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, kênh, rạch.

Kỳ vọng trong thời gian tới, từ đề tài này sẽ đề xuất được mô hình ứng dụng khả thi vào thực tế, góp phần giảm thiểu tác động do sạt lở và hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh