Vĩnh Long là tỉnh thuộc nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước, chưa đảm bảo mức sinh thay thế. Do đó, Vĩnh Long đang đứng trước thách thức sẽ nhanh chóng già hóa dân số, dẫn đến gia tăng áp lực xã hội. Cần lắm những chính sách ưu tiên riêng, khen thưởng kịp thời để "mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con".
|
Cộng tác viên dân số đóng góp: Cần có khen thưởng và chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. |
Vĩnh Long là tỉnh thuộc nhóm 21 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước, chưa đảm bảo mức sinh thay thế. Do đó, Vĩnh Long đang đứng trước thách thức sẽ nhanh chóng già hóa dân số, dẫn đến gia tăng áp lực xã hội. Cần lắm những chính sách ưu tiên riêng, khen thưởng kịp thời để “mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”.
Dân số già
Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, thời gian qua nhờ triển khai thực hiện tốt các mục tiêu phát triển dân số, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch là sự cần thiết để đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và cho xã hội. Vì vậy, tỷ suất sinh thô của tỉnh có xu hướng giảm kể cả khu vực thành thị và nông thôn.
Tổng tỷ suất sinh (TFR) lý tưởng là 2,1, đây là số con trung bình của một bà mẹ, tính đến hết tuổi sinh đẻ và được xác định bằng tổng tất cả các tỷ suất sinh đặc trưng theo từng nhóm tuổi của một năm nào đó, nhân với 5 và chia cho 1000.
Tổng tỷ suất sinh Vĩnh Long 1,83% năm 2022, trong đó, các địa phương trong tỉnh không đồng đều. Cụ thể, TP Vĩnh Long, TX Bình Minh và Long Hồ có tổng tỷ suất sinh thấp so với các huyện khác.
Giải thích lý do việc này, bà Thuận cho rằng: “Xã hội càng phát triển, nhu cầu cho một đứa trẻ càng đa dạng và càng cao. Không chỉ cơm ăn, áo mặc mà còn sữa, các thức ăn bổ dưỡng; nhà trẻ, học hành, phương tiện đi lại, chăm sóc sức khỏe, đồ chơi, du lịch,… chi phí nuôi, dạy con “tốn kém” hơn là áp lực cho các gia đình”.
Bên cạnh đó, tỷ suất sinh giảm cũng là biểu hiện của sự phát triển tích cực: bình đẳng giới càng được đề cao, y tế phát triển,… Theo thống kê sau 20 năm, từ 1999-2019, “Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi” Vĩnh Long giảm gần 3 lần. Nhờ thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số đầu đời. Bên cạnh thực hiện tốt các biện pháp: tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tầm soát trước sinh và sau sinh,… trẻ em sinh ra khỏe mạnh hơn và tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh giảm.
Bên cạnh những tích cực có thể nhìn thấy từ tổng tỷ suất sinh thì Vĩnh Long đang đứng trước thách thức lớn, khi cơ cấu dân số bước vào ngưỡng già hóa, dân số sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi của tỉnh là 20,7%, người cao tuổi từ 60 trở lên là 15%.
Cần cơ chế chính sách “sinh đủ 2 con”
UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch Hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Vĩnh Long thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, với nhiều mục tiêu, trong đó, mục tiêu đầu tiên là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa thành thị và nông thôn. Phấn đấu đạt mức sinh thay thế: Tổng tỷ suất sinh bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,88 con/phụ nữ.
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng theo các cán bộ, cộng tác viên dân số thì đây là bài toán khó nếu không có chủ trương, chính sách khuyến khích đi kèm. Chị Trần Thị Bích Vân (đang là công nhân, ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long), cho biết: “Hai vợ chồng tôi có một con gái, nay đã 10 tuổi không dám sinh thêm vì thấy nuôi con tốn kém quá, mà thu nhập vợ chồng để lo cho 3 người ăn có tháng còn thiếu nên không dám sinh nữa”.
Để phấn đấu đưa mức sinh tiến dần đến mức sinh thay thế vào năm 2030 thời gian tới cần triển khai các giải pháp này một cách thích hợp với từng địa phương. Tại hội nghị tập huấn vừa qua, cộng tác viên dân số huyện Mang Thít đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề này. Cụ thể như: đưa việc sinh đủ 2 con thành điểm thưởng cho cán bộ đảng viên trong thi đua khen thưởng, khen thưởng phù hợp cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, chính sách miễn giảm học phí cho con thứ 2 của mỗi hộ gia đình,…
Thực tế, chi phí nuôi con hiện nay rất lớn, nên việc tuyên truyền, vận động sinh con thứ 2 khó hơn rất nhiều lần so với vận động giảm sinh con trước kia. Do đó, muốn đạt được mục tiêu mức sinh thay thế, trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn thiết nghĩ cần những chính sách, cơ chế riêng đặc thù trong khả năng của tỉnh. Song song đó, Vĩnh Long cũng cần lắm sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương, để hoàn thành tốt nhiệm vụ dân số.
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Có thể hiểu, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con”. Tổng tỷ suất sinh trong khoảng 2,1 con được coi là mức sinh thay thế.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin