Hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) sinh con có xu hướng ngày càng tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Một trường hợp thai phụ gần 17 tuổi sinh non tại BVĐK Vĩnh Long. |
Hiện nay trẻ vị thành niên (VTN) sinh con có xu hướng ngày càng tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.
Gia tăng trẻ vị thành niên mang thai, sinh con
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp VTN mang thai phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ từng tiếp nhận bé gái 16 tuổi (Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu và sinh non khi thai chỉ vừa 34 tuần tuổi.
Em chia sẻ, khi biết mình có thai em không biết làm thế nào, lúc đó em cũng không dám nói chuyện với cha mẹ nên đã tìm cách giấu mọi người, quấn bụng thật chặt để che giấu. Cho đến ngày phải đi cấp cứu, mọi chuyện vỡ lở, gia đình mới biết em có thai...
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2022, tổng số sản phụ sinh là 6.538 ca, trong đó tuổi VTN sinh là 181 ca. Riêng 7 tháng của năm 2023, có 4.402 ca phụ nữ sinh thì riêng trẻ VTN là 96 ca.
Đầu tháng 3/2023, 1 trường hợp thai phụ gần 17 tuổi sinh non tại BVĐK Vĩnh Long. Nắm bàn tay nhỏ xíu của con, em rơm rớm nước mắt: “Mới 29 tuần là em bị đau bụng từng cơn, vỡ ối và sinh con luôn. Nhìn con chỉ nặng có 1,4kg, nhỏ xíu nằm trong lồng ấp cả tháng mới được da kề da gần với em. Nhờ y, bác sĩ chăm nuôi, bây giờ con hồng hào, bú sữa, đã tăng lên được hơn 2kg”.
Cứ nghĩ con lên cân, bị đau dạ dày, bị khối u bụng là thói quen thường gặp của không ít bậc cha mẹ khi con gái họ có thai ở tuổi 12-13. Không lưu tâm đến những thay đổi tâm sinh lý của con khiến nhiều bậc phụ huynh dở khóc dở cười. Vừa qua, một số trường hợp sinh con khi mới 13 tuổi tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội… Tất cả các trường hợp này đều được gia đình phát hiện khi thai đã được 6 tháng và chỉ có cách là để sinh.
Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, Việt Nam hiện nằm trong top 20 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất.
Theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo hút thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Thậm chí, có những sản phụ chỉ mới 12-13 tuổi, thời điểm mà cơ thể các em còn chưa phát triển hoàn thiện. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi VTN có thể rất nặng nề và kéo dài.
Hậu quả nặng nề
Vấn đề mang thai ở tuổi VTN đang có chiều hướng gia tăng và là vấn đề đáng lo ngại. TS Đỗ Minh Loan- Trưởng Khoa Sức khỏe VTN, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, VTN là những trẻ từ 10-19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.
Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai, trẻ thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính, cha mẹ còn hời hợt về việc giáo dục cho con em… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao và để lại nhiều hệ lụy trong tương lai.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế tỉnh, việc mang thai và sinh con ở tuổi VTN để lại hậu quả rất nghiêm trọng và kéo dài. Trẻ VTN đang ở độ tuổi ăn tuổi lớn, học hành.
Do mang thai ngoài ý muốn nên trẻ không có sự chuẩn bị trước, phải đấu tranh tâm lý việc có nên thông báo cho cha mẹ, bạn trai biết hay không, trong khi tâm lý, thể chất ở độ tuổi này chưa vững vàng, trẻ dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực… Có nhiều trường hợp lo sợ, nếu không được hỗ trợ, động viên từ phía gia đình, người thân thì có thể có những ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, trầm cảm sau sinh.
Khi mang thai, cơ thể trẻ chưa phát triển đầy đủ gây chèn ép cho bé, người mẹ trẻ có tâm lý sợ hãi và dễ xảy ra nguy cơ tử vong mẹ vẫn còn cao so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành.
Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu, thai lưu và làm mẹ sớm khiến các em bị khủng hoảng tâm lý… Ngoài ra, một trong những tác hại nghiêm trọng của việc phá thai là dẫn đến vô sinh, khoảng 20% ca điều trị vô sinh có tiền sử phá thai.
Trẻ VTN là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi này, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn.
“Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Chia sẻ các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản cho các em là hết sức cần thiết và cần tiến hành ngay. Cha mẹ và nhà trường cần cung cấp cho giới trẻ kiến thức về sinh sản và sức khỏe tình dục, bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục, biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS để giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những sai lầm không đáng có”- Giám đốc Sở Y tế- Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin