Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với Bác, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"- một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Sở Lao động-TB-XH phối hợp với UBND huyện Trà Ôn và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long (đơn vị tài trợ) bàn giao nhà tình nghĩa cho bà Trần Thị Bảy (sinh năm 1935, là thương binh 4/4, ngụ xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn). Ảnh: MINH THÁI |
(VLO) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với Bác, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”- một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Người cũng luôn luôn căn dặn, nhắc nhở Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp phải luôn chăm lo đời sống tinh thần, vật chất đối với những người có công với nước trong đó có thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cho thật tốt trong điều kiện có thể.
Bác Hồ luôn ghi ơn và trân trọng thương binh, liệt sĩ
Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng vừa có con trai hy sinh cho Tổ quốc, Bác Hồ viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”.
Với đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, từ năm 1946, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức “Hội giúp binh sĩ bị thương” do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự.
Mùa Đông năm ấy, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã tổ chức cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, khi đến dự lễ, Người đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Ngày 10/3/1946, báo Cứu Quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn Người viết: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.
Tiếp sau đó, trong thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào miền Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh”.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca, phàn nàn.
Trước tình hình ấy, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh.
Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Bác Hồ, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh.
Hội nghị nhất trí lấy ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc”, sau đó đổi thành “Ngày Thương binh Liệt sĩ” và quyết định tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Tại cuộc mít tinh chiều 27/7/1947, BTC đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị de dọa.
Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.
Cùng với bức thư, Người đã gửi tặng một áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của Người và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch. Từ lúc ấy cho đến năm 1954, năm nào cứ đến ngày 27/7, Người lại gửi thư và một tháng lương của mình tặng thương binh.
Trong một bài viết đăng trên báo Cứu Quốc năm 1946, Bác Hồ viết: “Tôi gửi lời chào thân ái các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Đối với người già, Bác Hồ khuyến khích thành lập “Hội mẹ chiến sĩ”, đối với thiếu niên thì Người hướng dẫn thành lập các “Đội Trần Quốc Toản”, để hàng ngày giúp các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với chính quyền các địa phương, Người yêu cầu: “Đón thương binh về làng”, “giúp lâu dài chứ không phải chỉ giúp một thời gian”.
Bác Hồ cũng trực tiếp chỉ đạo Chính phủ ban hành chế độ “Hưu bổng thương tật” và “Tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”.
Ngày 17/7/1947, Bác Hồ đề nghị đồng bào cả nước (chỉ trừ các cụ già thượng thọ, các cháu sơ sinh, các chiến sĩ ở mặt trận, những người đau yếu) hãy nhịn ăn một bữa “để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”.
Bác dặn rất kỹ: Tuyệt đối không cưỡng bức, tính sổ tập trung để phân phối cho khắp, ra sức tuyên truyền, giải thích... Bác làm trước mọi người và vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng và gửi số tiền đó ngay cho BTC Ngày Thương binh toàn quốc.
Trong lời kêu gọi nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1948, sau khi phân tích sự tàn ác, nguy hại và mất mác của nạn giặc ngoại xâm, Bác Hồ khẳng định: “Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận.
Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào.
Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ...”.
Song những hy sinh, mất mát đó không uổng phí: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.
Cho nên, đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.
Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.
Ngày 27/7/1949, Bác chỉ đạo Bộ Thương binh- Cựu binh không tổ chức lạc quyên “nhưng bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư tặng quà hoặc quyên giúp”. Bác làm gương bằng cách gửi tặng một tháng lương của Bác. Nhiều năm sau Bác vẫn tiếp tục dành một tháng lương để góp vào quỹ thương binh, liệt sĩ.
Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng, cho nước, cho dân, Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ thì mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ), thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền xã cùng HTX nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. (Bản Di chúc đánh máy năm 1968, 1969).
76 năm thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ
Học tập tư tưởng, tấm gương và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương binh liệt sĩ, từ năm 1947 trở đi, nhất là sau khi đất nước thống nhất đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã làm được nhiều việc để tri ân cũng như giảm bớt khó khăn cho các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ luôn được điều chỉnh và chi trả kịp thời để cuộc sống của họ bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân tại địa phương.
Trên cả nước đã xây dựng được hàng vạn nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ và tạc bia kỷ niệm hơn 1 triệu chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, đã xây cất hàng vạn ngôi “nhà tình nghĩa” để tặng các thương binh và gia đình liệt sĩ.
Để tuyên dương công trạng về sự hy sinh to lớn của liệt sĩ và thân nhân, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho hơn 50.000 bà mẹ. Đã có hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đoàn thể và nhân dân phụng dưỡng suốt đời.
Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện có trên 72.000 người có công được ghi nhận, tôn vinh, trong đó có trên 16.400 liệt sĩ, trên 4.800 thương binh, bệnh binh, 18 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gần 3.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.200 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; có khoảng 21.000 người hoạt động kháng chiến và làm nghĩa vụ quốc tế,…
76 năm qua, cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện tốt chế độ, chính sách người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Từ năm 2017-2022, từ nhiều nguồn, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.200 căn nhà cho người có công; có 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến suốt đời; có 100% gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn được các đơn vị, cá nhân hỗ trợ nhu cầu thiết yếu hàng tháng,… và nhiều hoạt động thiết thực khác.
Qua đó, đã góp phần giúp cho 100% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
HOÀNG KHẢI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin