Tháng hành động Vì trẻ em được triển khai sâu rộng, đều khắp từ huyện đến xã. Nhiều sân chơi được tổ chức để các em thoải mái vui đùa, gắn kết với bạn bè và hơn hết, các em có cơ hội tích lũy những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Ngày hội thiếu nhi với nhiều hoạt động đã mang đến một ngày ý nghĩa, đong đầy kỷ niệm với hơn 300 em học sinh của Trường Tiểu học Tường Lộc B (Tam Bình).
Trẻ em hôm nay được tạo điều kiện phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Trong ảnh: Giờ chơi của các bé ở Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ VI (xã Chánh An, huyện Mang Thít). Ảnh: Trần Nhành |
(VLO) Tháng hành động Vì trẻ em được triển khai sâu rộng, đều khắp từ huyện đến xã. Nhiều sân chơi được tổ chức để các em thoải mái vui đùa, gắn kết với bạn bè và hơn hết, các em có cơ hội tích lũy những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Ngày hội thiếu nhi với nhiều hoạt động đã mang đến một ngày ý nghĩa, đong đầy kỷ niệm với hơn 300 em học sinh của Trường Tiểu học Tường Lộc B (Tam Bình).
Vui tươi đón hè về
Ngày đầu tháng 6, những cây phượng trổ bông đỏ rực góc sân trường, sắp bước vào kỳ nghỉ hè nhưng sân Trường Tiểu học Tường Lộc B rộn rã hơn ngày thường bởi tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng hò reo của những em học sinh nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian.
Các anh chị ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên trao cho Trường Tiểu học Tường Lộc B mô hình sinh hoạt đội và dành 20 phần quà cho học sinh vượt khó học giỏi.
Phần được các bạn đón nhận nồng nhiệt là phố trò chơi với ô ăn quan, đá gà bằng chân, ông Địa đánh trống, đi cà kheo…
Em Huỳnh Chí Cường (lớp 3B) háo hức nói: “Những ngày đi học không có nhiều thời gian vui chơi thế này, giờ được gặp gỡ nhiều bạn vừa được chơi nhiều trò chơi dân gian, con rất vui. Ước gì năm nào cũng có sân chơi như vầy”.
Em Lê Nguyễn Duy Linh (Lớp 5B) thì xúc động vì vừa nhận được phần quà hỗ trợ dành cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Duy Linh kể: “Con rất biết ơn vì phần quà này con sẽ đem về nhà để mẹ đỡ phần nào khó khăn. Một mình mẹ cực khổ lắm để lo cho con đi học!”.
Bà Hồ Thị Út Em trao 20 phần quà hỗ trợ các em học sinh vượt khó học giỏi. |
Bà Hồ Thị Út Em- Giám đốc Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên chia sẻ, việc thường xuyên đổi mới, nâng cao về nội dung và hình thức các sân chơi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa, đào tạo kỹ năng sống... trên cơ sở nắm bắt những nhu cầu thiết thực của các em để thu hút các bạn nhỏ tham gia các hoạt động là việc hết sức cần thiết.
Sân chơi được tổ chức để các em được giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.
Bên cạnh đó, các em còn được trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình trong môi trường không gian mạng xã hội; tự mình biết cách phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình, các em được trải nghiệm trò chơi dân gian, được thưởng thức những món ngon trong gian hàng ẩm thực…
Tích lũy kỹ năng vào đời
Một hoạt động ý nghĩa được lồng ghép vào chương trình Ngày hội thiếu nhi là phần trao đổi cùng các em học sinh chuyên đề bảo vệ trẻ em trong không gian mạng, phòng chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
Thầy Bùi Tiến Hưng- Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Thiên Niên Kỷ (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Internet là không gian có nhiều ứng dụng có lợi như học hành, vui chơi, giải trí, trải nghiệm…
Tuy nhiên trên mạng xã hội cũng có nhiều người lợi dụng đưa hình ảnh, clip đồi trụy, tin rác, tin xấu, hình ảnh tiêu cực về bạo lực học đường, xâm hại tình dục… ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của học sinh.
Trách nhiệm của nhà trường, của phụ huynh là theo dõi và đồng hành cùng các em để nhận biết đâu là thông tin tiêu cực, chống phá, bạo lực, xâm hại, chỉ trích, nói xấu… để các em tránh xa.
Giáo dục cả quá trình dài, “trồng người” là việc làm cả trăm năm nhưng từ những bài học nhỏ mà “mưa dầm thấm lâu”, các em sẽ dần hoàn thiện”.
Sân trường rộn rã tiếng cười khi các em được chơi trò chơi dân gian. |
Qua buổi trò chuyện của thầy, em Võ Thụy Nhã Quỳnh đã “bỏ túi” được nhiều bài học gần gũi, dễ nhớ. “Câu chuyện thầy kể rất vui và cũng có nhiều bài học ý nghĩa.
Chúng em phải luôn ghi nhớ không đăng thông tin, hình ảnh nhạy cảm của mình lên mạng, không bấm vào những đường link mà người lạ gửi đến.
Khi bị đe dọa thì gọi 111 hoặc 113. Khi nóng giận hít thở sâu 10-20 cái, khi gặp bạo lực không quay video clip đăng lên mạng xã hội mà phải báo thầy cô, báo công an, không cổ vũ cho bạo lực học đường…”- Nhã Quỳnh chia sẻ.
Sân trường ý nghĩa dành cho các em ở vùng nông thôn. |
Ngày hội với nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về quyền trẻ em, vị trí, vai trò của trẻ em, từ đó hiểu được những điều trẻ em muốn nói và có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ.
Theo bà Hồ Thị Út Em: “Thực hiện lời dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc “bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, các đơn vị hãy tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; tích cực hưởng ứng và thực hiện Tháng Hành động Vì trẻ em tỉnh Vĩnh Long năm 2023 để trẻ em mãi mãi là “hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước”, là những chủ nhân tương lai đưa quê hương Vĩnh Long ngày một giàu đẹp- văn minh”.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin