Khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số

01:06, 23/06/2023

Khám sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN) giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ. Qua đó, giúp cho các cặp đôi có cuộc sống hôn nhân với sức khỏe toàn diện và những đứa con sinh ra khỏe mạnh. Đồng thời, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.

 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm đảm bảo tương lai hạnh phúc cho gia đình.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm đảm bảo tương lai hạnh phúc cho gia đình.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân (SKTHN) giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ. Qua đó, giúp cho các cặp đôi có cuộc sống hôn nhân với sức khỏe toàn diện và những đứa con sinh ra khỏe mạnh. Đồng thời, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số.

Lợi ích khi khám sức khỏe tiền hôn nhân

Trước quan điểm còn trẻ tuổi và thường xuyên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ nên không cần khám SKTHN, các bác sĩ sản khoa cho biết khám SKTHN yếu tố chính là khám các chức năng sinh sản nên cần một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, không giống khám tổng quát để kiểm tra bệnh lý.

Thông thường, các cặp đôi bắt đầu đi khám SKTHN khi chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể đi khám sớm hơn để sàng lọc các vấn đề sức khỏe.

Theo BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, các cặp đôi nên đi khám SKTHN trước khi tổ chức đám cưới khoảng 6 tháng. Thời gian này đủ để bác sĩ điều trị khi các cặp đôi không may phát hiện các dấu hiệu bất thường của sức khỏe.

Trường hợp 1 trong 2 người mắc bệnh truyền nhiễm thì 6 tháng cũng là thời gian hết “giai đoạn cửa sổ” để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất. Khi khám SKTHN, ngoài khám sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản, cặp đôi còn được tầm soát các bệnh lý di truyền, các bệnh truyền nhiễm và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng cũng như con cái sau này. Các cặp vợ chồng chưa muốn có con sẽ được tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Sau hơn 2 năm yêu nhau, chị N.T.H. (TP Vĩnh Long) dự định kết hôn. Chị H. và chồng sắp cưới đi khám SKTHN. Tại bệnh viện, sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chị H. phát hiện bị u nang buồng trứng. Điều này có thể ảnh hưởng khả năng có thai tự nhiên, nhưng do phát hiện sớm nên chị H. đã được điều trị kịp thời.

“Dù chưa cưới nhưng khi em mổ 1 bên buồng trứng, anh vô bệnh viện nuôi và chăm sóc em rất tận tình. Em càng cảm nhận được tình yêu anh dành cho mình. Được anh và người nhà động viên em vượt qua mặc cảm. Tụi em kết hôn và may mắn em có thai tự nhiên, cuối tháng 10 này tụi em sẽ đón công chúa nhỏ”- chị H. cười vui.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Vĩnh Long, thời gian qua, mô hình “Tư vấn và khám SKTHN” được Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai tại các xã, phường của các huyện, thị xã, thành phố.

Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số tổ chức sinh hoạt định kỳ, chủ yếu tuyên truyền, vận động; phối hợp với chính quyền, đoàn thể thí điểm hoạt động khám sức khỏe cho nam nữ chuẩn bị kết hôn tại các xã, phường, thị trấn. Mô hình được triển khai nhiều năm qua, từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tầm soát sức khỏe trước khi kết hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số

Thông qua các buổi sinh hoạt, trên các phương tiện truyền thông đã giúp các bạn trẻ nhận thức rõ hơn về những lợi ích từ việc chăm sóc SKTHN. Nhiều bạn chủ động tìm đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi kết hôn.

Chị Lê Trúc Mai (TP Vĩnh Long) cho biết: “Ngoài tiêm vaccine ngừa trước mang thai các bệnh sởi, quai bị, rubella và viêm gan B để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Qua khám sức khỏe, chúng tôi không phát hiện mắc bệnh lý gì và nhờ vậy, chúng tôi yên tâm, sẵn sàng bước vào hôn nhân với kế hoạch sinh con đầu lòng ngay sau đó”.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, việc khám SKTHN là bước cần thiết giúp thanh niên- nhất là các cặp đôi chuẩn bị kết hôn- chuẩn bị kiến thức, tâm lý, sức khỏe để khởi đầu cuộc sống hôn nhân và tình dục khỏe mạnh, an toàn. Các cặp đôi nên khám SKTHN tại bệnh viện phụ sản, chuyên khoa phụ sản ở các bệnh viện hay trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Khám SKTHN nhằm tầm soát tình trạng sức khỏe hiện tại, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến khả năng mang thai và sinh con; trong đó, có các bất thường di truyền do đột biến nhiễm sắc thể, đột biến gien có thể gây sẩy thai, thai chết lưu và các dị tật bẩm sinh như hội chứng down, bệnh lý thalasemia (tan máu bẩm sinh),…

Một số bệnh lý tiềm ẩn khác có thể được phát hiện, như: bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, bất thường về cấu trúc hoặc chức năng cơ quan sinh dục…

“Qua khám và tầm soát, nếu phát hiện bệnh lý, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị hoặc hướng dẫn các cặp đôi có kế hoạch chăm sóc tiền sản kịp thời. Mặt khác, nếu các bạn trẻ chưa muốn có con sớm, các bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp ngừa thai phù hợp”- TS.BS Thu Hằng nói.

Để giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, tăng tỷ lệ nam/nữ thanh niên được tư vấn, khám SKTHN, nâng cao chất lượng dân số, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như toàn xã hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra các chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%”.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh