Hòa chung niềm vui với trẻ đặc biệt

05:06, 01/06/2023

Với các thiếu nhi, trẻ em đặc biệt cần phải can thiệp phục hồi chức năng, thì sự đồng hành tin tưởng từ phụ huynh với nơi dạy trẻ và toàn xã hội, để đem lại hiệu quả phục hồi cho trẻ lại càng trở nên đặc biệt hơn.

Ban Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cùng đại diện đơn vị tài trợ trao quà và giấy khen cho trẻ tại cơ sở 4.
Ban Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cùng đại diện đơn vị tài trợ trao quà và giấy khen cho trẻ tại cơ sở 4.

(VLO) Với các thiếu nhi, trẻ em đặc biệt cần phải can thiệp phục hồi chức năng, thì sự đồng hành tin tưởng từ phụ huynh với nơi dạy trẻ và toàn xã hội, để đem lại hiệu quả phục hồi cho trẻ lại càng trở nên đặc biệt hơn.

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay, chúng tôi hòa chung niềm vui cùng 45 trẻ em các độ tuổi đang được can thiệp phục hồi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long (thuộc Sở Lao động-TB-XH), cùng các cô giáo và phụ huynh cảm nhận được sự phục hồi về thể chất, trí tuệ, tinh thần của trẻ.

Phụ huynh yên tâm khi trẻ phát triển từng ngày

Sáng 31/5, cô B.B. (là bà) cùng cha của bé K.T. (6 tuổi) đưa cháu đến dự lễ Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Phụ huynh bé kể, do bị tăng động nên mỗi ngày đưa đón cháu đi học phải cần 2 người, có khi cha của cháu với ông nội, có lúc ông nội bận thì cô thay thế. K.T. được can thiệp ở cơ sở 4 của trung tâm 2 năm nay.

“Tôi thấy cháu đỡ hơn nhiều, biết nhận thức và nghe lời, nhưng vẫn còn hơi chậm nói. Tôi mong quá trình can thiệp tiếp tục tới đây, cháu sẽ nói được như các trẻ khác”- vị phụ huynh ngụ xã Phú Thịnh (Tam Bình) hàng ngày đổ đường vài chục cây số đưa trẻ đi học nói.

Bé gái M.H. năm nay 4 tuổi, chăm ngoan, hoạt bát, mới đi học ở cơ sở được 5 buổi. Chị K.T. mẹ cháu M.H. kể, sau quá trình thăm khám, tư vấn, chị đưa con tham gia can thiệp tại đây: “Hiện tại cháu học 2 buổi trên tuần và được cô nhận xét ngoan và đáp ứng được yêu cầu can thiệp. Hướng của cháu sẽ là vừa can thiệp tại cơ sở song hành với học mầm non để phát triển toàn diện”.

Sau khi nhận quà và vào tiệc ăn buffet, bé V.K. ngồi cùng mẹ đã trò chuyện với chúng tôi rành rọt: “Năm nay con 8 tuổi, đang học lớp 2”. Sự rành rẽ này có được sau quá trình bé được các cô dạy bảo từng ngày, được xác nhận bằng niềm vui trên nét mặt mẹ tại dịp tết dành cho các trẻ năm nay.

Đó cũng là tâm tình của phụ huynh bé T.P.. “Gửi cháu vào đây đến nay được 11 tháng, cháu phát triển ngoài hình dung của gia đình.

Lúc đầu, cháu ú a ú ớ, nhưng sau thời gian can thiệp, cháu về nhà biết tên con vật, sợ người lớn khi bị rầy la,... và đó là điều tôi rất vui mừng”, phụ huynh bé T.P. gửi lời cảm ơn ban giám đốc trung tâm quan tâm, nhất là các cô đã không quản ngại khó khăn để thực hiện can thiệp đạt hiệu quả như hôm nay.

Cũng đổ đường hàng tuần đưa bé C.A. lên cơ sở học, chị T.L. ở xã Hòa Bình (Trà Ôn) vui mừng: “Bé được can thiệp theo chuyên môn nên ngày càng cải thiện tình trạng nhận thức, tình cảm so với ban đầu”.

Để các trẻ phát triển toàn diện

Theo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, khu phục hồi chức năng, can thiệp trẻ khuyết tật, trẻ rối loạn phổ tự kỷ hoạt động từ tháng 3/2021, ban đầu có 11 trẻ, đến nay tăng lên 45 trẻ.

Theo Phòng Quản lý chăm sóc, y tế và phục hồi chức năng thuộc trung tâm, nhờ vào kết quả can thiệp tốt, trẻ tiến bộ nhiều nên được sự tin tưởng của phụ huynh đưa trẻ vào học.

Các trẻ cùng ăn tiệc buffet và cắt bánh nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay.
Các trẻ cùng ăn tiệc buffet và cắt bánh nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi năm nay.

Hiện có 6 giáo viên can thiệp trẻ với chức năng: can thiệp trẻ khó khăn học tập (các vấn đề về khó khăn trong học tập của trẻ như đọc, hiểu, khả năng cầm bút tô màu, tô chữ, sự tập trung, chú ý...); âm ngữ trị liệu (giúp trẻ bật âm, cung cấp vốn từ, tăng cường giao tiếp mắt, lời nói và phi ngôn ngữ, sửa ngọng, nói lắp...); can thiệp hành vi, phát triển nhận thức, phương thức giao tiếp...); tâm vận động (giúp trẻ phát triển vận động thô, điều hòa cảm xúc, phối hợp các giác quan, thư giãn tích cực...).

Theo cô giáo Đoàn Thị Diễm Linh- Tổ trưởng Tổ Phục hồi chức năng: “Tùy theo đặc điểm và mức độ khuyết tật của trẻ mà mỗi trẻ sau can thiệp đều có sự tiến bộ nhất định.

Trẻ tiến bộ ít hay nhiều tùy vào phương pháp nuôi dạy, môi trường sống, thời gian can thiệp sớm hay muộn và khả năng của chính trẻ”.

Còn với các vị phụ huynh, trong sự đồng hành cùng con cháu mình, đã thấy: “Trẻ về nhà ngoan hơn; biết thể hiện tình cảm với cha mẹ, người thân; biết dùng lời nói để nói lên nhu cầu của mình; biết tự phục vụ bản thân như đội nón, mang dép, mặc áo khoác...”.

Theo Trung tâm Công tác xã hội, những năm qua đơn vị ngoài làm tốt nhiệm vụ này, còn làm tốt vai trò kết nối các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ quà (bánh, sữa, dụng cụ học tập...), tổ chức liên hoan, họp mặt ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... giúp trẻ có thêm động lực đến lớp. Thông qua đó để trẻ thêm trải nghiệm, phát triển hài hòa cảm xúc, nhận thức, giao tiếp...

Ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, dịp họp mặt ngày Quốc tế Thiếu nhi hôm nay thể hiện sự quan tâm, đồng hành của trung tâm với các phụ huynh và xã hội trong quá trình can thiệp, giáo dục các trẻ.

Niềm vui với hiệu quả của quá trình này không chỉ từ bàn tay các cô ở đây mà còn nối dài sự chăm sóc, các kiến thức can thiệp trẻ tới từng phụ huynh tại mỗi gia đình, để hướng tới mục tiêu giúp trẻ hòa nhập tốt, phát triển bình thường và toàn diện hơn.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh