Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo an sinh xã hội, năm 2021 đến nay, huyện Long Hồ đã có nhiều chính sách, cách làm hay như: đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi…
Nhờ được hỗ trợ 2 con dê giống sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, ông Hưởng đã phát triển chăn nuôi hiệu quả. |
(VLO) Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo an sinh xã hội, năm 2021 đến nay, huyện Long Hồ đã có nhiều chính sách, cách làm hay như: đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi…
Trong đó, nổi bật nhất là việc hỗ trợ bò giống và dê giống, giúp người dân phát triển chăn nuôi, nâng thu nhập. Từ việc “cho không”, huyện đã chuyển sang “hỗ trợ cần câu”- giúp nâng cao ý thức thoát nghèo của người dân.
Hỗ trợ “cần câu”
Được hỗ trợ con bò giống vào cuối năm 2021, chị Lê Thị Trúc Phương- hộ cận nghèo ở xã Long An, đã đầu tư phát triển chăn nuôi. Đến tháng 3/2023, con bò đã sinh bê con.
Sau thời gian chăm sóc, chị tiếp tục hỗ trợ con bò tơ lại cho hộ khó khăn tại xã Tân Hạnh với niềm vui của cả người cho và người nhận. “Hồi trước tui được Nhà nước hỗ trợ cho con bò, về tui nuôi vỗ béo rồi cho bò sinh sản.
Nhờ chăn nuôi hiệu quả, nên giờ có được con bò để hỗ trợ lại cho hộ khó khăn, tui thấy rất vui. Vui vì sau khi nhận được hỗ trợ, mình đã có điều kiện để giúp đỡ cho người khác”- chị Phương chia sẻ.
Ngày nhận con bò từ chị Phương, bà Phạm Thị Hồng Tươi- xã Tân Hạnh, vui mừng phấn khởi nói: “Tui sẽ cố gắng chăm sóc con bò này cho tốt để bò mau lớn, sinh sản. Sau đó, tui sẽ tiếp tục đem bò hỗ trợ cho hộ có hoàn cảnh khó khăn như mình về phát triển chăn nuôi”.
3 năm về trước gia đình ông Trần Văn Hưởng- xã Đồng Phú, thuộc diện hộ cận nghèo. Gia đình ông đã được hỗ trợ 2 con dê giống sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, nên ông chăn nuôi dê khá hiệu quả. Đến nay, ông đã cho xuất chuồng 3 đợt và tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân rộng đàn dê
lên 20 con.
“Trước đây tui làm vườn, tới mùa thu hoạch trái cây bán giá cả cũng bấp bênh. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê, gia đình tui đã tập trung phát triển chăn nuôi khá hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Kinh tế gia đình nhờ vậy đã dần ổn định hơn trước”- ông Hưởng cho hay.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú, cho biết: Thời gian qua, xã lập dự án chăn nuôi dê và chọn hộ nghèo, vừa mới thoát nghèo và cận nghèo để hỗ trợ, nhằm giúp người dân vươn lên cải thiện cuộc sống.
Hiện, mô hình này đang đem lại hiệu quả thiết thực và tiếp tục được người dân đầu tư phát triển. Hướng tới, xã sẽ tiếp tục thực hiện dự án chăn nuôi dê giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
“không trao cá”
Để tạo điều kiện giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi, huyện Long Hồ đã triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi bò, dê tại 6 xã.
Ngoài cấp phát bò giống, dê giống, huyện còn phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi cho người dân; hướng dẫn các hộ này chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ
môi trường.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Long Hồ hỗ trợ 35 con bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển chăn nuôi.
Sau 2 năm chăn nuôi, đàn bò sinh sản ra 23 con bê, huyện đã cùng với các hộ dân tiếp tục đem số bò con này hỗ trợ cho những hộ khó khăn khác. Đến nay, số lượng bò được sinh ra đã nâng lên được 30 con bò giống và 5 con bê.
Bên cạnh, huyện cũng hỗ trợ 30 con dê cho 15 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, đến nay đã có 12 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, đàn dê từ dự án được nâng lên 160 con.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1,44%.
Ông Võ Thành Quân- Phó Trưởng Phòng Lao động-TB-XH huyện, cho biết: “Khi thực hiện dự án, chúng tôi đã thành lập ban quản lý dự án cấp huyện để đi kiểm tra, giám sát.
Hàng quý, hàng tháng phối hợp với ngành thú y huyện và các ban ngành đi kiểm tra để nắm lại tình hình xem có thuận lợi, khó khăn gì thì hỗ trợ tháo gỡ. Đến giờ này, chúng tôi nhận xét cơ bản là đạt hiệu quả và cần được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới”.
Với phương châm “Trao cần câu, không trao cá”, huyện Long Hồ đặc biệt chú trọng tới việc thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ người dân làm kinh tế. Từ đó tạo động lực giúp các hộ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, góp phần nâng chất tiêu chí nghèo đa chiều trong xây dựng NTM.
Xã được công nhận đạt chuẩn NTM về tiêu chí nghèo đa chiều khi có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo kết quả rà soát định kỳ hàng năm trên địa bàn xã đạt <4%. Tỷ lệ nghèo đa chiều của xã giai đoạn 2022-2025 được xác định bằng tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều (trừ hộ nghèo, cận nghèo không có khả năng lao động). |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin