Chăm lo, ổn định đời sống người dân sau sạt lở

05:06, 14/06/2023

Những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra khiến nhiều người dân sống ven sông có nguy cơ sạt lở không khỏi lo lắng, bất an, không biết sạt lở sẽ xảy ra khi nào. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng cũng đã nhanh chóng đến khảo sát, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, đồng thời tích cực chăm lo cho đời sống người dân sau ảnh hưởng của sạt lở.

Lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.
Lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.

(VLO) Những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra khiến nhiều người dân sống ven sông có nguy cơ sạt lở không khỏi lo lắng, bất an, không biết sạt lở sẽ xảy ra khi nào. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng cũng đã nhanh chóng đến khảo sát, hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn, đồng thời tích cực chăm lo cho đời sống người dân sau ảnh hưởng của sạt lở.

Sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng

Khu vực sạt lở bờ sông Cái Cao (ấp Phú An, xã Phú Đức, huyện Long Hồ) có chiều dài khoảng 300m, trong đó khoảng 150m bị sạt lở hoàn toàn, ăn sâu vào bờ khoảng 7m.

Sạt lở xảy ra làm ảnh hưởng nhà của 23 hộ dân (với trên 130 nhân khẩu). Trong số này có 2 căn nhà nguy cơ sạt lở xuống sông và 6 căn xuất hiện các vết nứt, sụt lún bên trong sân, hàng rào cách nhà dân từ 2-5m.

Còn khu vực sạt lở bờ sông Long Hồ (đoạn qua ấp Long Thuận B, xã Long Phước, huyện Long Hồ) có chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m.

Làm ảnh hưởng nhà của 5 hộ dân, trong đó có 2 căn nhà cách điểm sạt lở từ 2-5m. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền 2 xã và huyện Long Hồ đã huy động lực lượng “4 tại chỗ” hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn và thực hiện các biện pháp ngăn sạt lở tiếp tục xảy ra.

Trong khi đó, điểm sạt lở ở ấp Tích Lộc (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) đến chiều ngày 12/6, đã có 8 căn bị sạt xuống sông khoảng 50% diện tích. Căn còn lại dự báo sẽ tiếp tục bị sạt lở.

Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Cái Cao (đoạn từ Nhà máy Vinh Quang đến hộ ông Đặng Thanh Sơn), thuộc ấp Phú An, xã Phú Đức (Long Hồ) với chiều dài 460m và công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Trà Ôn (đoạn từ trước chợ Tích Thiện đến Trường THCS Tích Thiện), dài 80m (thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn).

Mức độ sạt lở nguy hiểm. Lý do công bố tình huống khẩn cấp nhằm ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai.

Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Khuyến nghị phía lãnh đạo địa phương có chỉ đạo ở các xã có quản lý quy hoạch cho chặt chẽ đối với xây dựng cặp mé sông lớn.

Một vụ sạt lở xảy ra diễn biến từ 2-3 ngày, người dân cũng phải chủ động theo dõi, thường sẽ có những vết nứt trên nền đất, rồi những sủi bọt ở dưới lòng sông.

Khuyến nghị địa phương, người dân có chủ động quan sát theo dõi trong vấn đề này, nhất là ngay thời kỳ đầu mùa mưa, sẽ có chênh lệch con nước rất cao, sau khi nước ròng thì xuất hiện những vụ sạt lở như hiện nay”.

Chăm lo, ổn định đời sống người dân sau sạt lở

Những ngày qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể nên người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đã phần nào ổn định về mặt tinh thần cũng như về cuộc sống và chỗ ở trước mắt.

Sạt lở bờ sông tại huyện Long Hồ.
Sạt lở bờ sông tại huyện Long Hồ.

Tại khu vực sạt lở ấp Phú An (xã Phú Đức, huyện Long Hồ), 23 hộ dân trong khu vực sạt lở được nhóm thiện nguyện tặng quà và các nhu yếu phẩm.

Đồng thời, ngành chức năng cũng đã thống kê những thiệt hại làm cơ sở để hỗ trợ người dân. Trước đó, ngay khi sạt lở xảy ra, UBND xã Phú Đức đã bố trí chỗ ở mới an toàn cho 2 hộ dân có nhà nằm trong khu vực nguy hiểm.

Chị Nguyễn Ngọc Triều (xã Phú Đức, huyện Long Hồ), cho biết: “Nhà cửa xuống sông hết rồi, nhờ có chính quyền địa phương hỗ trợ chỗ ở tạm thời, nhóm thiện nguyện cũng hỗ trợ gạo, mì, nhu yếu phẩm, tôi cũng yên tâm phần nào”.

Ông Trần Hoàng Nam- Chủ tịch UBND xã Phú Đức (Long Hồ), cho hay: “Đối với 2 hộ di dời, UBND xã cũng vận động người dân cố gắng khắc phục, xem xét hỗ trợ trong điều kiện của địa phương để người dân ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới cũng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ những hộ khó khăn trong tuyến để đảm bảo cuộc sống, vượt qua khó khăn giai
đoạn này”.

Ông Nguyễn Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết: Huyện cũng đã tiến hành rà soát lại các nhà có ảnh hưởng, kiểm kê các tài sản mà người dân đang bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ sau này.

Giao cho UBND các xã phân công lực lượng 24/24 để khi có diễn biến tình hình xấu thì kịp thời di dời dân và báo về cấp trên để có cách chỉ đạo, xử lý.

Nhóm thiện nguyện hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khu vực sạt lở.
Nhóm thiện nguyện hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân khu vực sạt lở.

Còn tại khu vực sạt lở ở ấp Tích Lộc (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn), nhờ đã di dời người và tài sản từ trước nên địa phương giảm được đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Hiện, địa phương đã bố trí nơi ở tạm cho tất cả các hộ dân trong khu vực sạt lở.

Được hỗ trợ di dời tài sản vào Trường THCS Tích Thiện, bà Phạm Thị Vân (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) có nhà bị sạt lở, cho hay: “Đợt trước sạt lở ở đây, chính quyền địa phương có hỗ trợ 50 triệu đồng để tôi sửa lại căn nhà. Mà mới ở được mấy tháng thì tiếp tục sạt lở. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, giúp đỡ kịp thời, tôi cũng đỡ lo”.

Ông Nguyễn Văn Trạng- Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết: Trước mắt, BCĐ của huyện vận động hỗ trợ bà con 3 triệu đồng để tạm thời khắc phục hậu quả, đồng thời chỉ đạo cấp xã bố trí để người dân có chỗ mới an toàn, ổn định cuộc sống.

Sau khi xảy ra sạt lở, ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến khảo sát và thăm hỏi, động viên các hộ dân ở khu vực sạt lở sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng sạt lở.

“Quan trọng nhất bây giờ là làm sao di dời các hộ dân có ảnh hưởng lớn ra khỏi khu vực này, xem dự báo tình hình để đánh giá sạt lở có tiếp tục diễn ra hay không, giao cho địa phương đặc biệt là Sở Nông nghiệp-PTNT khảo sát, trình UBND hướng xử lý.

Thứ hai, địa phương hỗ trợ cho dân để dân có chỗ nghỉ ngơi, đồng thời khảo sát, đánh giá lại toàn bộ thiệt hại của công trình để rồi có hướng xử lý sạt lở.

Qua đây, cũng giao địa phương, ngành chức năng tiếp tục theo dõi, nhắc nhở bà con để tránh thiệt hại vật chất và người”- ông Nguyễn Văn Liệt nhấn mạnh chỉ đạo.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh