Cấp cứu tại chỗ đúng cách, quyết định sự sống của trẻ khi bị đuối nước

04:06, 12/06/2023

Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp đuối nước dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là ẵm dốc trẻ chạy vòng quanh, làm tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi. Do 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu trẻ đuối nước, việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian này, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

 

Dù cho có huấn luyện viên và nhân viên cứu hộ ở hồ bơi thì cha mẹ vẫn phải luôn để mắt trông chừng con khi cho con học bơi.
Dù cho có huấn luyện viên và nhân viên cứu hộ ở hồ bơi thì cha mẹ vẫn phải luôn để mắt trông chừng con khi cho con học bơi.

(VLO) Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp đuối nước dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là ẵm dốc trẻ chạy vòng quanh, làm tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi. Do 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu trẻ đuối nước, việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian này, thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.

5 phút vàng sơ cứu trẻ đuối nước

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính riêng trong 6 ngày từ 30/5/2023– 4/6/2023, tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng và nguy kịch do đuối nước tại hồ bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

Với các ca đuối nước này, các bác sĩ cho biết có một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch, đi bơi thì người lớn lơ là hoặc để các trẻ tự trông nhau, nên đã xảy ra các sự cố đáng tiếc trên.

Điều đáng nói, trong số 7 trẻ chỉ có duy nhất 1 trẻ được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách.

Nhiều trường hợp dù không tỉnh, không thở nhưng vẫn không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó là bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược và trẻ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.

Theo TS.BS  Phan Hữu Phúc- Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu sức khoẻ trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), Tổng Thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này não tổn thương  không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.

Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay, vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

“Khi trẻ được nhanh chóng vớt lên, đánh giá nhanh tình trạng của trẻ xem có tỉnh không. Nếu trẻ không tỉnh, mở thông đường thở đánh giá tình trạng thở bằng nhìn nghe, cảm nhận.

Nếu trẻ không thở chúng ta thổi ngạt 5 nhịp và tiến hành ép tim 30 nhịp, vị trí ép tim ở một nửa dưới xương ức.

Kỹ thuật ép tim có thể dùng 1 bàn tay hoặc ở trẻ lớn, người lớn có thể dùng 2 bàn tay, ép từ trước ra sau với độ sâu từ 1/3-1/2 bề dầy đầu ngực. Tần suất ép tim là 100-120 lần/phút.”-BS Hữu Phúc nhấn mạnh.

Sơ cứu đúng cách quyết định sự sống

Để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước cần áp dụng phối hợp rất nhiều các biện pháp hồi sức tích cực.

Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động theo đích, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33-34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.

Các bác sĩ cho biết, trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, ngừng tim dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phần lớn trẻ đuối nước tử vong hoặc di chứng thần kinh do tổn thương não thiếu oxy kéo dài là những trẻ không được cấp cứu hoặc cấp cứu ban đầu không đúng cách tại hiện trường.

Một thực tế đáng báo động là hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước.

Mùa hè với thời tiết nắng nóng và kỳ nghỉ kéo dài là thời điểm trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động bơi lội hoặc đi du lịch ở những địa điểm có hồ nước, sông, suối, biển,... do đó nguy cơ bị đuối nước tăng cao.

“Tuy nhiên, chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không.

Trường hợp trẻ ngừng tim kéo dài nhưng trong suốt khoảng thời gian đó trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn.

Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5-7 phút thôi nhưng lại không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng” – BS Hữu Phúc nhấn mạnh.

“Trong quá trình cấp cứu, chúng ta cần chú ý, khả năng chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa là 5 phút nên việc cấp cứu, cung cấp lại máu và ô xy cho não phải được tiến hành ngay trong giai đoạn sớm mới có thể cấp cứu được bệnh nhân. Không dốc ngược bệnh nhân lên vai rồi chạy, làm cho các dịch của dạn dày bị trào ngược, hít vào đường thở và làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ. Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Cần đưa tất cả những trẻ bị đuối nước đến cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước…”- TS.BS Phan Hữu Phúc cho biết thêm.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh