Bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ là sự bảo vệ cho chính người tham gia, mà còn là sự đảm bảo an sinh cho cả xã hội. Rút BHXH một lần gia tăng là nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh của cả cộng đồng nói chung. Song, việc lựa chọn đóng hay không, rút hay nộp là của từng cá nhân khi cân nhắc các vấn đề được mất hay lợi ích.
Người lao động đến nộp hồ sơ nhận BHXH một lần tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ BHXH. |
(VLO) Bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ là sự bảo vệ cho chính người tham gia, mà còn là sự đảm bảo an sinh cho cả xã hội. Rút BHXH một lần gia tăng là nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh của cả cộng đồng nói chung. Song, việc lựa chọn đóng hay không, rút hay nộp là của từng cá nhân khi cân nhắc các vấn đề được mất hay lợi ích.
Nhiều người nghĩ “ôm tiền cho chắc”
Theo BHXH Việt Nam, sau đại dịch, kinh tế khó khăn khiến một số người lao động (NLĐ) lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời một bộ phận vì lợi trước mắt muốn rút BHXH để có được khoản “tiền tươi”.
Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của NLĐ, mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.
Theo ngành BHXH tỉnh Vĩnh Long, NLĐ chọn nhận BHXH một lần vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng. Tuy có được một số tiền trước mắt nhưng họ sẽ mất rất nhiều quyền lợi khi hết tuổi LĐ và không còn thu nhập đảm bảo cuộc sống khi về già.
Tính đến tháng 6, ngành BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết trên 10.250 hồ sơ hưởng BHXH một lần, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2022. Chị Phan Thị Hương Thảo (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho biết: “Rút BHXH một lần được gần 90 triệu, tôi nghĩ mình kinh doanh có lời hơn là mình cứ nuôi đóng bảo hiểm nên tôi lãnh tiền để làm việc cần làm”.
Còn anh Nguyễn Hoàng Nguyên (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) tâm sự: “Tôi tham gia bảo hiểm cũng hơn 10 năm, do thời gian dịch kéo dài cũng cần số tiền để xoay xở cho nên tôi muốn rút BHXH một lần. Tôi không đóng bảo hiểm nữa, bởi còn hơn 27 năm mới hưởng lương hưu nên giờ nhận tiền trước mắt đã”.
Lúc còn trẻ đi làm đóng BHXH là khoản tiền để dành cho tương lai lúc về già, nhưng nhiều người lại nhìn nhận đây như một khoản thu nhập sau khi nghỉ việc.
Chị Biện Thị Mỹ Nhung (Phường 9, TP Vĩnh Long) cho biết: “Em tham gia bảo hiểm được 13 năm. Do nghỉ làm và trước mắt em cần tiền em rút bảo hiểm để xoay xở”.
Rút BHXH một lần và những hệ lụy
Nhiều NLĐ rút BHXH vì lý do chính đáng, do cuộc sống quá khó khăn, tài chính kiệt quệ, nhưng nhiều người lại có tâm lý cứ rút để cầm tiền về cho chắc, thậm chí để tiêu dùng. Lúc còn trẻ thì có tâm lý tương lai còn xa vời, cứ sống cho hiện tại đi, nhưng trong số nhiều người rút BHXH một lần, về sau họ lại có tâm lý tiếc nuối.
Anh Trần Hoàng Tín (TX Bình Minh) tiếc nuối: “Tôi đóng bảo hiểm ở công ty cũng gần 12 năm, nghỉ việc tôi rút một lần luôn. Khi rút được một thời gian ngắn, tự dưng nghĩ lại tại sao mình không đóng tiếp. Giờ tôi 47 tuổi nếu được đóng lại mình sẽ vẫn đóng chứ không rút.
Thực ra số tiền gần 90 triệu đó chi tiêu rồi cũng hết. Tôi muốn đóng lại BHXH tự nguyện, nhưng tiếc vì không thể nối 12 năm đóng trước”.
Theo ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.
Mọi người phải hiểu rằng, Quỹ BHXH, BHYT được Nhà nước bảo hộ. Trong bất cứ tình huống nào, Nhà nước đều bảo đảm ổn định, chăm lo đời sống cho người dân.
“Việc nhận BHXH một lần, NLĐ không chỉ bị thiệt thòi về quyền lợi trước mắt mà cả lâu dài. Mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí quyền lợi lên đến 95%; số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH; mất đi lương hưu hàng tháng- là “của để dành, bảo hiểm khi tuổi già.
Đồng thời, khi nhận lương hưu nếu mất thì người thân được nhận mai táng phí 10 tháng lương cơ sở và tuất có thể nhận một lần hoặc hàng tháng tùy theo điều kiện”- Phó Giám đốc BHXH tỉnh nói.
Nhận BHXH một lần là giải pháp tình thế, nhưng sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Đồng nghĩa với việc NLĐ tự tước bỏ quyền lợi được đảm bảo an sinh xã hội của bản thân nếu không có nguồn thu nhập cơ bản, thường xuyên khi về già và còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế- xã hội.
Hiện, ngành BHXH tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của NLĐ về những lợi ích cho tương lai khi ở lại với hệ thống BHXH.
“Ngành tích cực tuyên truyền đúng và trúng những cái thiệt mà NLĐ phải chịu nếu rút BHXH một lần. Như vậy, NLĐ sẽ cân nhắc thiệt hơn để không rút BHXH một lần và tìm cách khác để xoay xở vượt qua khó khăn tạm thời”- ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
“Ngay cả khi NLĐ tham gia BHXH rồi nghỉ giữa chừng, ra đi làm tự do, cũng vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện được. Sau đó, dù NLĐ có quay lại làm cho các công ty, tổ chức, cũng vẫn có thể tham gia tiếp BHXH. Chính sách rất linh hoạt như vậy là có lợi cho NLĐ”- ông Ngô Tuấn Anh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin