Dịp hè, nhu cầu học bơi tăng cao, nhất là khi nhiều bậc phụ huynh lựa chọn môn thể thao này để các em vừa vui chơi, giải trí, vừa rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất. Theo đó, việc phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ trong quá trình học rất cần sự quan tâm của cơ sở dạy và phụ huynh.
Kiểm tra mức độ an toàn hồ bơi Bình Minh (phường Đông Thuận, TX Bình Minh). |
Dịp hè, nhu cầu học bơi tăng cao, nhất là khi nhiều bậc phụ huynh lựa chọn môn thể thao này để các em vừa vui chơi, giải trí, vừa rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất. Theo đó, việc phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ trong quá trình học rất cần sự quan tâm của cơ sở dạy và phụ huynh.
Thống kê của Bộ Lao động-TB-XH, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng 2.000 trẻ tử vong mỗi năm.
Con số tử vong do đuối nước hiện được xem có giảm mạnh so những qua (năm 2010 là 3.300 trẻ, năm 2015 còn 2.600 em), song vẫn được xem còn cao và là nỗi đau và mất mát vô cùng to lớn không thể bù đắp được của các gia đình và toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em, như môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn hay thiên tai, bão lũ…
Thống kê cũng cho thấy, vấn nạn đuối nước gặp nhiều ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, vùng nông thôn nhiều hơn thành thị và gặp nhiều ở các gia đình nghèo. Đặc biệt, đuối nước thường xảy ra vào các dịp trước và trong thời gian trẻ em nghỉ hè, có những vụ rất thương tâm, nhiều em cùng đuối nước một lúc, hoặc các em tử vong cùng là anh em ruột trong một gia đình…
Từ những con số thống kê, các vụ đuối nước thương tâm cho thấy, việc tăng cường dạy bơi, lặn, nhất là ở khu vực ĐBSCL- nơi có kênh rạch nhiều nhất cả nước được phụ huynh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình học không chỉ ở vùng nông thôn chưa có các hồ bơi tập trung, mà ngay tại các cơ sở tập trung, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất.
Một phụ huynh có con đang học bơi tại cơ sở trên địa bàn chia sẻ, do một giáo viên phải đảm nhiệm nhiều trẻ, trong khi “cháu nào cũng na ná nhau, mặc áo quần bơi, đeo kính, đội mũ nên khó kiểm soát được tất cả”. Bên cạnh là sự hiếu động, tinh nghịch của trẻ, thậm chí do ham vui đùa với bạn bè, các em có thể tự gây tổn thương cho mình.
Để an toàn cho trẻ quá trình học bơi, anh Nguyễn Văn Hiền (ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho rằng, dù tại các cơ sở được cho là an toàn thì các phụ huynh cũng cần thường xuyên quan sát, theo dõi trẻ. Ngoài ra, cũng cần chú ý quan sát trạng thái sức khỏe, tâm lý của trẻ khi xuống nước, đặc biệt những trẻ “sợ nước” phải luôn có người bên cạnh “không nên rời mắt để bảo đảm an toàn tuyệt đối”.
Ông Lê Thanh Bình- chủ cơ sở hồ bơi Thành Phước (khóm 4, phường Thành Phước, TX Bình Minh) cho biết, để đảm bảo kỹ năng cho trẻ, cơ sở thường xuyên phối hợp với Phòng GD- ĐT, các trường học trên địa bàn tổ chức các lớp dạy bơi và tổ chức các giải thể thao môn bơi, lặn. Đồng thời, cở sở cũng thực hiện nghiêm các quy định về trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện, mức độ tập huyện và cử nhân viên cứu hộ thường trực khi có người tham gia tập luyện theo quy định.
Theo Sở Văn hóa- TT- DL, hiện trên địa bàn tỉnh có 27 hồ bơi hoạt động. Nhằm đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn bơi, lặn, Sở Văn hóa- TT- DL cũng vừa tổ chức 6 đoàn đến kiểm tra về giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện… tại TX Bình Minh, huyện Bình Tân, Mang Thít và Trà Ôn.
Hồ bơi Hoàng Khải (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) phối hợp với trường học tổ chức dạy bơi cho trẻ. |
Ông Nguyễn Huỳnh Vũ Khoa- Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở VH- TT- DL) cho biết, qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở có sự quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, tập huấn nhân viên chuyên môn để tổ chức kinh doanh hoạt động thể thao đối với môn bơi, lặn.
Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn còn thiếu soát, hạn chế về biển báo, sào, phao cứu hộ. Qua đó, đoàn kiểm tra hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở rà soát, trang bị đảm bảo, đúng quy định. Đặc biệt, tăng cường nhân viên cứu hộ thường trực vào thời gian cao điểm có đông người dân tập luyện.
“Việc kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Qua đó, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an toàn cho người dân, đặc biệt là trẻ em tham gia hoạt động thể thao môn bơi, lặn.”- ông Nguyễn Huỳnh Vũ Khoa cho biết thêm.
Để phòng tránh và bảo vệ trẻ bị đuối nước, nhất là dịp nghỉ hè, ngành chức năng khuyến cáo, ngoài việc rèn luyện cho các e có kỹ năng bơi lội, các gia đình, cha mẹ cần giám sát con em mình chặt chẽ con em mình. Không nên cho con em mình ra các ao, hồ, sông, suối tự bơi mà không có sự giám sát. Khi đi bơi phải mang theo áo phao bảo hộ, và phải có người lớn biết bơi theo dõi giám sát. |
Bài, ảnh: H. THÀNH- N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin