Phòng bệnh dại trên chó, mèo

03:05, 30/05/2023

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ tử vong rất cao. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn. Do đó, để phòng tránh bệnh dại hiệu quả, người nuôi chó, mèo cần phải quản lý vật nuôi, cùng với đó là tiêm phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định.

Người nuôi cần tăng cường công tác tiêm phòng bệnh ngừa dại cho chó, mèo.
Người nuôi cần tăng cường công tác tiêm phòng bệnh ngừa dại cho chó, mèo.

(VLO) Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ tử vong rất cao. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn. Do đó, để phòng tránh bệnh dại hiệu quả, người nuôi chó, mèo cần phải quản lý vật nuôi, cùng với đó là tiêm phòng bệnh dại chó, mèo theo quy định.

Chó còn thả rông và không rọ mõm

Theo ngành chức năng, bệnh dại có thể bùng phát trên đàn chó, mèo nuôi, nguyên nhân là do người dân có thói quen thả rông vật nuôi mà không rọ mõm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa được người nuôi thực sự quan tâm. Một số người dân còn chủ quan, nhận thức chưa đúng về bệnh dại và cách phòng chống…

Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản, năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 50.000 hộ nuôi khoảng 77.600 con chó, mèo. Giống chó nuôi đa số là chó vàng (chó ta), chó Bắc Kinh và một số giống chó Phốc, Chiahuahua, Phú Quốc, Berger... Đa số nuôi thả rông quanh nhà, một số hộ nuôi nhốt hoặc cầm xích,…

Để góp phần hạn chế và đẩy lùi bệnh dại, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường triển khai quyết liệt đồng bộ nhiều biện pháp, tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi và bản thân khi không may bị chó, mèo cắn.

Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản, cho biết, thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có phòng chống bệnh dại, đơn vị đang tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm phải tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo tại các hộ gia đình; yêu cầu các hộ có nuôi chó, mèo đăng ký, khai báo và cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, khi cho ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng chó, mèo cắn người.

Chú ý tiêm vaccine phòng bệnh dại

Tính đến tháng 5/2023, toàn tỉnh đã tiêm trên 45.600 liều dại chó (đạt 91,2% kế hoạch). Theo đó, đợt tiêm vaccine phòng bệnh dại lần này sẽ tiêm phòng miễn phí cho đàn chó, mèo chưa tiêm phòng; tiêm nhắc lại cho chó, mèo đã được tiêm phòng, gần hết thời gian bảo hộ của vaccine, người nuôi chỉ trả tiền công tiêm cho cán bộ thú y.

Chú Phan Phước Sơn (ấp Mỹ Phú 5, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: “Nhà tôi có nuôi 2 con chó để giữ chuồng trại chăn nuôi, giữ nhà. Mỗi năm đợi các đợt tiêm ngừa của địa phương triển khai, tôi đều tiêm cho chó mèo, không có đợt thì hỏi bên thú y địa phương hướng dẫn.

Nếu không tiêm cho chó, thì nguy cơ xuất hiện bệnh dại cho chó mèo, sẽ nguy hiểm cho người bị cắn. Mục đích tiêm ngừa để phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho người lẫn vật nuôi”.

Bà Thạch Thị Năm (ngụ xã Tường Lộc, huyện Tam Bình) cũng cho hay: “Tôi nuôi 3 con chó giữ nhà. Con thì cột, con thì nhốt chuồng nhưng cũng cảnh giác với bệnh dại. Nghe có đợt tiêm phòng, tôi đăng ký tiêm cho chó liền. Những năm trước, mỗi con là 15.000 đ/liều tiền vaccine, công là 5.000 đ/con.

Lần này người dân được Nhà nước hỗ trợ tiền vaccine, người dân chỉ trả tiền công tiêm phòng nên tôi cùng nhiều người dân trong xóm rất vui và hầu hết tiêm phòng ngay từ đợt đầu”.

Ông Lê Văn Năm- Trưởng trạm Chăn nuôi- Thú y và Thủy sản huyện Trà Ôn, cho biết: Thời gian qua, trạm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo; rà soát, thống kê đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng vaccine dại để tiêm phòng bổ sung, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát bệnh dại; kiểm tra, xác minh và xử lý triệt để khi phát hiện có chó, mèo nghi mắc bệnh dại. Tính đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng dại cho chó mèo đạt 100% kế hoạch.

Theo ngành chức năng, để tránh phát sinh bệnh dại gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng xung quanh thì khuyến cáo đến người dân nuôi chó, mèo phải đảm bảo vệ sinh thú y, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo theo quy định.

Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình.

Đối với những trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, liếm phải rửa sạch, sát trùng vết thương và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, bởi tiêm vaccine là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại.

Với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, năm 2022, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch Phòng, chống bệnh dại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2022-2030, góp phần bảo vệ sự an toàn, tính mạng và sức khỏe người dân. Cụ thể, phấn đấu quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo trong giai đoạn 2022-2025; trên 90% trong giai đoạn 2026-2030; tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030; xây dựng thành công ít nhất 3 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã, phường.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh