Cùng với hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), người lao động được khuyến nghị "tương tác" mạnh hơn với thị trường lao động để có việc làm, chủ động học nghề để tự tạo hoặc tìm việc làm.
Cùng với hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN), người lao động được khuyến nghị “tương tác” mạnh hơn với thị trường lao động để có việc làm, chủ động học nghề để tự tạo hoặc tìm việc làm.
Chị Phạm Thị Thùy Trang (34 tuổi, ngụ Tam Bình) cách đây 5 ngày từ huyện chạy lên Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) tỉnh Vĩnh Long để thông báo tình trạng việc làm và cho biết sau khi nghỉ việc có nhiều thắc mắc về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, BHXH và đến đây để được trung tâm tư vấn, giải thích thêm.
“Sau khi được tư vấn, tôi chọn học nghề dành cho lao động đang hưởng TCTN. Học nghề pha chế đồ uống, thời gian tới tôi có thể mở quán nhỏ kinh doanh tại nhà”, nữ lao động nói dự định tự tạo việc làm sau học nghề.
|
Biểu đồ trình độ chuyên môn của người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp quý I. Nguồn: TTDVVL |
Chị Thùy Trang là một trong gần 170 người lao động, giữa tháng này vừa được TTDVVL tư vấn việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH, học nghề. Đồng thời cung cấp cho lực lượng này nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với hơn 175 vị trí lao động phổ thông, công nhân sản xuất, thợ hàn, tiện, điện, nhân viên bảo trì, kinh doanh, kế toán... Kết quả, có 70 người lao động đã được giới thiệu việc làm chủ yếu trong tỉnh, có 6 người đăng ký tham gia học nghề.
Trong giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị chức năng đồng thời tư vấn cho người lao động thất nghiệp nắm, hiểu chính sách hỗ trợ học nghề dành cho lao động hưởng TCTN. Đầu năm đến nay, đã có 438 người lao động đang hưởng TCTN được hỗ trợ học nghề (chiếm 19,9% số người đang hưởng TCTN, tương đương cùng kỳ năm 2022). Những nghề người lao động chủ yếu đăng ký học là: kỹ thuật pha chế đồ uống (chiếm 25,3%), kỹ năng giao tiếp (22,1%), kỹ thuật chế biến món ăn (15,5%), trang điểm thẩm mỹ (6,2%)...
Trong quý đầu năm, người thất nghiệp là lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ) chiếm tỷ lệ cao nhất (92%) trong tổng số người nộp hồ sơ hưởng TCTN. Các phân tích cho thấy, số người thất nghiệp là nữ chiếm tỷ lệ 59,7%; số người thất nghiệp trẻ dưới 35 tuổi khá cao, chiếm 54% số người nộp hồ sơ hưởng TCTN;...
Từ các dữ liệu này, theo đơn vị chức năng, cần có các biện pháp đủ mạnh như: đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp; mở rộng danh mục ngành nghề đào tạo để đa dạng người học nâng cao trình độ; phía người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu, phương thức sản xuất, kinh doanh...
|
Người lao động cần “tương tác” mạnh hơn với chính sách về việc làm, đào tạo nghề, nhằm đáp ứng cung cầu thị trường lao động. Trong ảnh: Người lao động làm hồ sơ thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.Ảnh: MINH THÁI |
Theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc TTDVVL, đơn vị tiếp nhận, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho người lao động; đẩy mạnh tư vấn và đào tạo nghề cho lao động đang hưởng TCTN và lao động trong cộng đồng. Cùng với các phiên giao dịch việc làm, “cà phê việc làm”, các hoạt động ngày hội việc làm, giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần giúp người lao động tiếp cận nhiều thông tin, chính sách về nghề nghiệp, việc làm; giúp các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với nguồn nhân lực để tuyển dụng và người lao động có việc làm.
Như lao động Thùy Trang nói ở trên, đó là cơ sở để những lao động tương tự có cơ hội tìm được việc làm, có điều kiện để tự tạo hoặc tìm việc làm nhằm quay trở lại thị trường lao động.
Trong quý I, TTDVVL tiếp nhận 3.154 người nộp hồ sơ hưởng TCTN (giảm 6,9% so quý I/2022), kết quả giải quyết đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 2.200 quyết định cho người lao động hưởng TCTN, với số tiền chi TCTN hơn 36 tỷ đồng. Giới thiệu được việc làm cho 150 người trong hơn 14.700 lượt người đã tư vấn giới thiệu việc làm.
|
MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin