Nơm nớp nỗi lo sạt lở

11:04, 25/04/2023

Vừa qua, một đoạn đê bao tại cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) lại bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích vườn cây ăn trái và nhà dân trong khu vực bị ngập. Người dân nơi đây rất lo lắng, bất an vì tình trạng sạt lở xảy ra với mức độ ngày càng nhiều, thời gian gần và nghiêm trọng.

 

Vừa qua, một đoạn đê bao tại cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) lại bị sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích vườn cây ăn trái và nhà dân trong khu vực bị ngập. Người dân nơi đây rất lo lắng, bất an vì tình trạng sạt lở xảy ra với mức độ ngày càng nhiều, thời gian gần và nghiêm trọng.

Nhiều diện tích vườn cây ăn trái của người dân bị ngập sâu sau vụ sạt lở.
Nhiều diện tích vườn cây ăn trái của người dân bị ngập sâu sau vụ sạt lở.

Cồn Thanh Long: sạt lở lần thứ 4

Xuất phát từ bến phà Quới An- Quới Thiện đến điểm sạt lở tại cồn Thanh Long, phải đi đò hơn 10 phút mới đến cồn. Theo người dân sinh sống trên cồn, vụ sạt lở xảy ra vào trưa ngày 20/4 khiến một đoạn đê bao bị vỡ, nước sông tràn vào, khiến nhiều vườn cây ăn trái và nhà dân bị ngập sâu.

Nhà cách điểm sạt lở chừng 4m, chị Nguyễn Thị Kim Yến cho hay: “Tôi đang ở ngoài vườn thì nghe rắc rắc, chạy ra xem thì thấy đất sụp xuống sông ào ào, rồi vỡ đê bao, nước tràn vào vườn. Toàn bộ vườn của tôi ngập hết, 8 công vườn có hơn 1.200 gốc ổi, chanh ngập trong nước”. Từ sau vụ sạt lở năm 2016, gia đình chị Yến đã vào đất liền để thuê nhà ở, còn căn nhà và mảnh vườn trên cồn vẫn được chị Yến qua lại chăm sóc thường xuyên. Chị Yến cho biết thêm, điểm này sạt lở nhiều lần, tuy có gia cố nhưng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Dọc theo đoạn đê bao đang được gia cố tạm thời, người dân tận dụng để trồng các loại rau ăn lá như hành, hẹ… “đất trên cồn trồng cái gì cũng tươi tốt, nhưng sạt lở nhiều năm, tôi bị sông nuốt mất 2 công đất rồi”, chị Yến tiếc nuối.

Cách nhà chị Yến hơn trăm mét là căn nhà cấp 4 chông chênh nằm cạnh mé sông của gia đình cô Nguyễn Thị Nhi. Năm 2022, phần phía trước của căn nhà đã bị sụp xuống sông do sạt lở, gia đình cô Nhi phải di chuyển vào phía trong để sinh sống và canh tác 15 công vườn. “Năm nay, chưa vào mùa mưa mà sạt lở nhiều quá, gia đình tôi trở tay không kịp, toàn bộ vườn bưởi, xoài vô vụ thu hoạch đều bị ngập, nhà ở phía trong cũng bị ngập nên dời ra ở tạm căn nhà sát mé sông, cũng nơm nớp lo vì nhà có thể sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Chỉ mong ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở để người dân an tâm sinh sống”, cô Nhi xót xa nói.

Hơn 5 công vườn cây ăn trái chịu ảnh hưởng do sạt lở, chú Điều Công Khanh chia sẻ: “Người dân sống trên cồn chủ yếu dựa vào vườn cây ăn trái để kiếm thu nhập, nhưng nếu cứ sạt lở liên tục, gây ngập úng vườn cây thì khó mà sinh sống và canh tác ổn định”.

Trưởng ấp Phước Lý Nhì Phan Thanh Minh cho biết, khu vực đê bao tại cồn Thanh Long đã bị sạt lở nhiều lần. Chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần gia cố. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Vụ sạt lở khiến nước tràn vào gây ngập vườn, ngập nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân, đặc biệt nhiều vườn cây ăn trái đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Bên cạnh, tình trạng nước ngập khiến môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân trên cồn.

Mong mỏi có biện pháp khắc phục lâu dài

Cồn Thanh Long nằm trên sông Cổ Chiên, người dân cho biết thời gian qua nơi đây đã xảy ra 4 vụ sạt lở lớn gây ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý đã có 3 căn nhà bị sạt lở xuống sông. Ngành chuyên môn tỉnh cũng như huyện Vũng Liêm đã bố trí nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình khắc phục sạt lở. Tuy nhiên do dòng chảy xiết và hướng vào cồn nên hiệu quả đầu tư không cao.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vũng Liêm đã thông báo cho người dân trong khu vực thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời; địa phương thống kê thiệt hại (nếu có), lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền hỗ trợ người dân theo quy định.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Khi sự cố xảy ra, địa phương điều động phương tiện hỗ trợ khắc phục, trước tiên là lấy đất bên ngoài đắp lại không cho nước từ bên ngoài tràn vào cũng như là giải quyết vấn đề thoát nước từ trong vườn ra, giảm nhẹ những ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.

Đến nay, việc gia cố tạm thời đoạn sạt lở đê bao cồn Thanh Long đã hoàn thành. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa yên tâm bởi hiện đang là thời điểm triều cường, người dân lo lắng áp lực nước có thể tiếp tục làm ảnh hưởng điểm gia cố sạt lở này.

Ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Tỉnh cũng đã giao cho Sở Nông nghiệp-PTNT đề xuất chủ trương đầu tư mang tính ổn định lâu dài ở khu vực này. Trước mắt, địa phương sẽ sử dụng phương tiện đưa bờ vào bên trong để đảm bảo cho việc canh tác. Đối với người dân thì phải có sự chủ động, vùng này đã được cảnh báo sạt lở nhiều năm nên các loại cây trồng cần có giải pháp bảo vệ bờ bên trong để đảm bảo an toàn”.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đoạn sạt lở xảy ra ngày 20/4 tại cồn Thanh Long, có chiều dài khoảng 40m, rộng 10m, ảnh hưởng trên 17ha vườn cây ăn trái bị ngập do nước tràn vào và 8 hộ dân sinh sống trực tiếp ở khu vực này. Sau khi sạt lở xảy ra, ngành chức năng, địa phương đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” huy động phương tiện gia cố tạm thời khu vực sạt lở trên. Hiện nay 8 hộ dân bị ảnh hưởng do khu vực sạt lở không ở lại thường xuyên do các hộ này đã được vận động di dời vào các đợt sạt lở trước đó (năm 2016, 2019 và 2020).

Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh