Tạo dấu ấn lan tỏa yêu thương

11:03, 02/03/2023

Trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của phong trào "Tết Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai phong trào "Tết Nhân ái". Các cấp hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo, mang đến sức sống mới, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.

Người dân đón năm mới đầm ấm hơn trong căn nhà mới.
Người dân đón năm mới đầm ấm hơn trong căn nhà mới.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của phong trào “Tết Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999, năm 2023 là năm đầu tiên triển khai phong trào “Tết Nhân ái”. Các cấp hội đã tích cực hưởng ứng, phát huy tính sáng tạo, mang đến sức sống mới, lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng.
 
Dấu ấn riêng lan tỏa rộng khắp
 
“Tết Nhân ái” 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt mục tiêu trợ giúp một triệu lượt người, giá trị hoạt động đạt 600 tỷ đồng. Kết quả, toàn hệ thống hội đã vận động được hơn 1.175 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền, đạt 196% chỉ tiêu), hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Giá trị hỗ trợ bình quân đạt 449.000 đ/người.
 
Trong hội nghị tổng kết phong trào “Tết Nhân ái” vừa được tổ chức, bà Bùi Thị Hòa- Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cho biết đây là năm đầu tiên triển khai nhưng với các yêu cầu và phương thức mới, các cấp hội đã phát huy được tính sáng tạo, tạo ra sức sống mới cho phong trào.
 
Trung ương hội đã chỉ đạo điểm tại 10 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam, đảm bảo sự đa dạng các vùng miền, đối tượng được trợ giúp.
 
“Từ khu vực biên giới xa xôi của miền núi phía Bắc, như xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), đến các địa danh lịch sử của khu vực phía Nam, như Sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) hoặc những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đông công nhân như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Trung ương đều hỗ trợ nguồn lực động viên các tỉnh, thành phố”, bà Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.
 
Nội dung, hình thức tổ chức đều thiết thực, gắn với giá trị văn hóa, truyền thống, tập quán của nhân dân. Điều này tạo nên sự đặc sắc, độc đáo của “Tết Nhân ái 2023”. Có thể kể đến là hoạt động tặng quà và chúc Tết, chuỗi “Chợ Tết Nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, cỗ Tết, hoạt động vui Tết… 
 
Bà Bùi Thị Hòa đánh giá: “Phong trào Tết Nhân ái đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, vui tươi không chỉ cho người hưởng lợi mà còn truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ nói riêng và người tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung”. 
 
Không để ai bị bỏ lại phía sau
 
Tại Vĩnh Long, theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Thụy Yến Phương, phong trào “Tết Nhân ái” có sự tham gia đóng góp tích cực của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, vận động nguồn lực trên tinh thần cả tỉnh chung tay vì người nghèo với phương châm “Không có người nghèo, người khó khăn nào không được nhận quà Tết”.
 
Tổng giá trị phúc lợi xã hội các hoạt động phong trào trợ giúp 51.072 lượt người đạt hơn 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội phối hợp bàn giao 11 căn nhà tình thương, khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn, 1 đường đan, vận động trợ giúp thường xuyên cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ nạn nhân chất độc da cam, vận động 1.300 tấn gạo, trao tặng 72 suất học bổng… Tổ chức Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện trong dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng 2023, tiếp nhận được 1.360 đơn vị máu. 
 
Điểm nhấn trong “Tết Nhân ái” tại Vĩnh Long là 2 phiên “Chợ nhân đạo” ở TX Bình Minh và huyện Tam Bình. 800 hộ có hoàn cảnh khó khăn được mua hàng miễn phí, tự tay lựa chọn món quà mình cần như bánh mứt, nông sản… với kinh phí gần 200 triệu đồng, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trợ giá cho 500 lượt người dân, hơn 120 triệu đồng.
 
Bà Trần Thị Tuyết (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) không khỏi xúc động khi được đón cái Tết ấm áp hơn: “Năm nay đã 75 tuổi, hàng ngày tui phải bán từng bó rau, cọng cải để lo cho người em gái bị bệnh tâm thần. Gần Tết, món gì cũng mắc, nhà hảo tâm lặn lội đường xa đến tận vùng sâu để tặng quà, tui cảm động lắm”.
Điểm nhấn trong “Tết Nhân ái” tại Vĩnh Long là phiên “Chợ nhân đạo”.
Điểm nhấn trong “Tết Nhân ái” tại Vĩnh Long là phiên “Chợ nhân đạo”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trân trọng ghi nhận và cảm ơn các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp cho phong trào “Tết Nhân ái”. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ: “Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao sự đổi mới của phong trào “Tết Nhân ái” Quý Mão 2023.
 
Các hoạt động không chỉ quan tâm, chăm lo nhu cầu đời sống mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người được nhận; gắn với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân địa phương. Đồng thời, cũng phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để đông đảo người dân đều có cơ hội chia sẻ, giúp đỡ, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng hướng đến các mục tiêu nhân đạo của tỉnh”. 
 
Trong năm đầu tiên tổ chức, “Tết Nhân ái” đã lan tỏa rộng khắp, truyền cảm hứng mạnh mẽ. Hy vọng phong trào tiếp tục lan tỏa với hình thức phong phú, đa dạng hơn nữa, mang xuân ấm đến với tất cả những người nghèo, người yếu thế trong xã hội. 
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh