Tại các đô thị (ĐT), nhiều công trình, dự án nhằm cải tạo ô nhiễm, phát huy tiềm năng, vẻ đẹp sông nước kết hợp chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống người dân đang được triển khai.
Đô thị Vĩnh Long tự hào có nhiều sông rạch bao quanh. |
Tại các đô thị (ĐT), nhiều công trình, dự án nhằm cải tạo ô nhiễm, phát huy tiềm năng, vẻ đẹp sông nước kết hợp chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống người dân đang được triển khai.
Cải tạo, hồi sinh sông rạch
Tại Vĩnh Long, tất cả các ĐT đều có nhiều sông rạch bao quanh. Vai trò của sông rạch đối với các ĐT ngày càng được nhìn nhận- thể hiện trong các quy hoạch (QH) ĐT như phát triển không gian nương theo sông; chú trọng khai thác, bảo tồn cảnh quan sông nước… Theo đó, một số kinh rạch trước đây là “điểm nóng” ô nhiễm đã và đang được cải tạo, hồi sinh.
Tại TP Vĩnh Long, sông Kinh Cụt (TP Vĩnh Long) trước đây bị một số hộ xây cất lấn chiếm, rác ứ đọng, nước chuyển màu ô nhiễm… trông rất nhếch nhác. Hiện đoạn sông này đang được đầu tư cải tạo, xây dựng bờ kè. Công trình khi hoàn thành giúp kiến tạo cảnh quan, tăng mỹ quan ĐT, cải thiện đời sống các hộ dân quanh khúc sông này. Nhà ven đoạn sông, một hộ dân bày tỏ vui mừng vì “sắp tới đoạn này sẽ thông thoáng và đẹp hơn; không còn lo rác rến ứ đọng, ô nhiễm nữa”.
Trước đó, tại TX Bình Minh, công trình cải tạo hệ thống cống thoát nước kết hợp đường giao thông Rạch Gai- đoạn từ đường 3 Tháng 2 đến đường Lê Văn Vị (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) được thi công hoàn thành đã giúp xóa “điểm đen” ô nhiễm nhiều năm.
Ông Trịnh Tấn Tài- Chủ tịch UBND phường Cái Vồn (TX Bình Minh)- cho biết, công trình cải tạo cống thoát nước, làm đường giao thông Rạch Gai giúp khắc phục điểm ô nhiễm môi trường, phục vụ chỉnh trang ĐT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh sông nước
Theo Chương trình phát triển ĐT TP Vĩnh Long đến năm 2030, mục tiêu là phát triển TP Vĩnh Long hướng đến thành phố xanh ven sông- thành phố giao lưu, hiện đại; phấn đấu đến năm 2025, TP Vĩnh Long từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của ĐT loại II và là ĐT loại I sau năm 2030.
Theo đó, chia các khu vực phát triển ĐT gồm: khu vực lõi ĐT, khu vực ĐT chuyển tiếp, khu vực ngoại thành, khu vực cù lao An Bình. Trong đó, vùng ĐT chuyển tiếp được hợp thành bởi các ĐT mới với các kênh rạch bao quanh. Kết nối cây xanh ven các kênh rạch bao bọc khu ĐT mới bên trong ĐT, hình thành trung tâm ĐT mới có tính công cộng cao, giàu cây xanh mặt nước.
Bên cạnh, khu vực cù lao An Bình phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường kết nối với trung tâm TP Vĩnh Long ở một phần khu vực tiếp giáp với sông Tiền và sông Cổ Chiên. Bảo tồn cảnh quan vốn có của cù lao các khu vực ven sông còn lại và khu vực phía trong.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển ĐT TX Bình Minh đến năm 2030, cụ thể hóa định hướng, huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng tham gia vào công tác phát triển ĐT. Theo chương trình, các khu vực phát triển của ĐT TX Bình Minh gồm: khu ĐT trung tâm (khu ĐT truyền thống); khu ĐT- thương mại Thuận An; khu ĐT dịch vụ- công nghiệp- kho vận Đông Thuận.
Trong đó, khu ĐT trung tâm quy mô khoảng 933ha ở phía Tây thị xã. Ở khu vực này, phát triển các loại đất ở hiện hữu cải tạo chỉnh trang và xây dựng mới, đất dịch vụ công cộng, thương mại dịch vụ cấp ĐT và khu ĐT, hành chính cơ quan cấp thị xã, trung tâm giáo dục- đào tạo hiện hữu cấp vùng, trung tâm văn hóa- thể dục thể thao cấp vùng, đất phát triển hỗn hợp, đất dịch vụ du lịch, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất công viên cây xanh thể dục thể thao và cây xanh cảnh quan- mặt nước.
Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh và mở rộng QH chung TT Cái Nhum, huyện Mang Thít đến năm 2030. QH nhằm xây dựng định hướng phát triển không gian TT Cái Nhum là đầu mối giao lưu kinh tế, xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy ĐT hóa, thu hút đầu tư, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Bên cạnh, hướng phát triển không gian ĐT từ trung tâm thị trấn hiện hữu mở rộng thêm phần còn lại khoảng 1.389ha về phía Đông, Tây, Bắc, hình thành các khu dân cư, khu ĐT mới đáp ứng nhu cầu phát triển…
Cần cải tạo, giữ gìn, phát huy thế mạnh cảnh quan sông nước. |
Bên cạnh, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đồ án QH chung ĐT Hựu Thành, huyện Trà Ôn đến năm 2030.
Theo đó, định hướng Hựu Thành trở thành ĐT loại V theo QH xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng định hướng phát triển không gian ĐT Hựu Thành đến năm 2030 là: phát triển vùng nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển thương mại cấp tiểu vùng, du lịch sinh thái, cụm công nghiệp... tạo điều kiện thúc đẩy ĐT hóa, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới phát triển bền vững.
Đặc biệt, về định hướng thiết kế ĐT đối với cả hai đồ án QH trên, sông rạch giữ vai trò quan trọng trong không gian ĐT, khai thác tối đa yếu tố mặt nước trong bố cục cảnh quan.
Thiết nghĩ, nỗ lực cải tạo, giữ gìn sự thông thoáng, trong lành cho sông rạch; trả lại không gian bờ sông cho cộng đồng, cải thiện môi trường sống rất đáng hoan nghênh và cần được phát huy.
Theo đó, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, xử phạt các hành vi gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan, bứt tử sông rạch. Qua đó, khai thác cảnh quan, thế mạnh sông nước, đặc biệt là tạo khác biệt, hấp dẫn riêng để thu hút du lịch, góp phần phát triển
kinh tế- xã hội.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin