Những tấm lòng nhiệt huyết san sẻ yêu thương

Cập nhật, 05:31, Thứ Năm, 23/03/2023 (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, chúc Tết tại Trung tâm Công tác xã hội.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, chúc Tết tại Trung tâm Công tác xã hội.

(VLO) Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động-TB-XH) tiếp tục thực hiện công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng đối với người thuộc diện bảo trợ xã hội đạt hiệu quả tốt. Các hoạt động cao cả và ý nghĩa này thiết thực hướng tới kỷ niệm ngày CTXH Việt Nam 25/3, với chủ đề: “CTXH Việt Nam- chuyên nghiệp, sáng tạo và phát triển”.

“Con ước mơ được làm cô giáo”

Đó là lời chân tình của các cháu Đặng Ngọc Huyền và Trang Nhã Uyên- các trẻ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long chúng tôi ghi nhận mới đây.

2 cháu đang học lớp 3-4 Trường Tiểu học Phú Quới C (Long Hồ). Ngọc Huyền kể 9 tuổi thì được đưa về trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng với các bạn bên “bố, má”.

“Các “bố, má” chăm lo cho con bữa ăn, giấc ngủ đầy đủ, đưa rước đi học. Mong muốn của con là luôn được các “bố, má” yêu thương, luôn học giỏi”, cô bé 12 tuổi nói.

Giống Ngọc Huyền, Nhã Uyên cũng bày tỏ khi lớn lên trở thành người có ích cho xã hội: “Con được đưa vào trung tâm từ bé, các “bố, má” chăm lo chu đáo.

Như các bạn ở đây, con mong luôn được yêu thương. Con hứa luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi”.

Trên là 2 trong hơn 10 cô cậu bé đang được chăm sóc, nuôi dưỡng ở khu trẻ đi học tại cơ sở 1 của Trung tâm CTXH. Điều đặc biệt ở 2 cháu này: đều là học sinh giỏi và đang là lớp trưởng của lớp mình.

Nhân viên Bùi Thắng Cảnh cùng ôn bài với các cô cậu trò ở khu trẻ đi học.
Nhân viên Bùi Thắng Cảnh cùng ôn bài với các cô cậu trò ở khu trẻ đi học.

Một trong các nhân viên chăm sóc tại đây là Bùi Thắng Cảnh cho biết, công việc hàng ngày là chăm lo các cháu từ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ, đưa rước đi học,...

Qua 3 năm công tác, Cảnh đã hiểu rằng: “Tụi em tự nhủ mình phải nhiệt huyết, đam mê với nghề nghiệp thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với các cháu”.

Nhân viên Lê Thị Tường Vi trong công việc hàng ngày ở khu trẻ khuyết tật.
Nhân viên Lê Thị Tường Vi trong công việc hàng ngày ở khu trẻ khuyết tật.

Tại khu chăm sóc trẻ khuyết tật, nhân viên Lê Thị Tường Vi đang chuẩn bị bữa ăn sáng và làm vệ sinh cho trẻ.

Vào ca lúc 7 giờ 30, tua trực 24 giờ, ca trực 3 người sẽ nắm tình hình các trẻ từ ca trước bàn giao lại, rồi thực hiện công việc hàng ngày cho trẻ gồm vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ,... cho tới dẫn đi tiêm ngừa.

“Chúng tôi trực luân phiên mỗi ngày, hầu như không kể lễ Tết, đảm bảo tốt nhất nhiệm vụ từ vệ sinh cá nhân, môi trường và chăm sóc”, Tường Vi nói.

Tường Vi kể, các trẻ ở khu này khuyết tật từ vận động, trí tuệ đến đa khuyết tật nên mọi nhân viên phải hiểu từng trẻ từ sơ sinh, thậm chí hơn 20 tuổi để chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Mình làm công việc với lòng tâm huyết nghề, với sự yêu thương và làm hết khả năng thì mới đem lại tình trạng tốt hơn cho các trẻ”, Tường Vi tâm tình.

Ở khu chăm sóc người già, có 26 năm công tác, nhân viên Nguyễn Thị Mỹ Linh “nằm lòng” tâm ý từng người.

Tại đây, có cụ ông cụ bà đã hơn 70 tuổi, nhiều dạng khuyết tật (tai biến, rối loạn hành vi, khuyết tật vận động...) nên áp lực và vất vả.

Khẳng định phải thật sự tâm huyết với nghề thì mới làm được, nhân viên Mỹ Linh muốn: “San sẻ gánh nặng thể chất, tinh thần thông qua chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Phải kiên trì và bằng tấm lòng bao la mới trụ nổi để hoàn thành nghề CTXH, bảo trợ xã hội, chia sẻ cộng đồng”.

Nhiệm vụ cao cả

Ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long, cho biết năm 2022, đơn vị đón tiếp trên 900 lượt đoàn, cá nhân đến thăm, tặng quà với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Đồng thời trung tâm thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn gần 470 triệu đồng.

Quý I/2023, đã có 270 lượt đoàn, cá nhân đến thăm, tặng quà với hơn 920 triệu đồng; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ các trẻ em khuyết tật đang phục hồi chức năng và trẻ em tại cộng đồng gần 230 triệu đồng.

Theo ông Tấn Hùng, trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, mỗi trẻ đi học, trẻ khuyết tật, người già, người bệnh tâm thần ở các cơ sở thuộc trung tâm đều có một tình trạng thể chất, nội tâm, tính cách riêng biệt, đặc thù.

Điều này đặt ra yêu cầu cán bộ, nhân viên chăm sóc phải tìm hiểu, thấu hiểu để có phương pháp quản lý, chăm sóc, giáo dục phù hợp, hiệu quả.

Vượt qua áp lực đặc thù đó, hiệu quả có được là sự gắn kết, sẻ chia, chăm sóc, nuôi dưỡng giữa người làm nghề CTXH và đối tượng bảo trợ xã hội tại trung tâm.

Trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đến thăm hỏi, chúc Tết tại Trung tâm CTXH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động của trung tâm với nhiệm vụ quản lý, nuôi dưỡng, giáo dục các đối tượng bảo trợ xã hội.

Cho rằng các công tác này vô cùng vất vả, nhưng ý nghĩa rất lớn đối với xã hội, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn trung tâm phát huy hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội một cách tốt nhất. Kết nối các nguồn lực, cung cấp các dịch vụ CTXH thực hiện các dự án, chương trình, mô hình.

Tích cực vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực cho đối tượng được nuôi dưỡng tại trung tâm và cộng đồng.

Nuôi nấng giấc mơ làm cô giáo của hai bé Ngọc Huyền, Nhã Uyên, xoa dịu những khiếm khuyết của các trẻ khuyết tật, san sẻ yêu thương cùng các cụ già neo đơn, bệnh tật, người bệnh tâm thần... tất cả cho thấy một nhiệm vụ cao cả của những người làm nghề CTXH.

Tuy nhiều vất vả nhưng với tấm lòng nhiệt huyết, người làm nghề CTXH giúp lan tỏa những yêu thương đến với cộng đồng.

Trung tâm CTXH tỉnh Vĩnh Long hiện đang quản lý, chăm sóc 266 người thuộc diện bảo trợ xã hội, trong đó có 41 người cao tuổi, 29 người khuyết tật, 126 người bệnh tâm thần, 2 trẻ vị thành niên, 25 trẻ em (7 trẻ khuyết tật), 1 người lang thang; theo hướng dịch vụ: 8 người cao tuổi, 33 trẻ em tham gia phục hồi chức năng, 1 người tâm thần.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Các tin khác: